Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM

 

Nói đến hôn nhân là nhắc đến mối quan hệ vợ chồng hợp pháp theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình trên cơ sở hai bên tự nguyện, có đăng ký kết hôn và được pháp luật bảo vệ,.... Thế nhưng, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn tình trạng không ít cặp đôi về chung sống với nhau như vợ chồng mà không tuân thủ quy định. Khi xảy ra mâu thuẫn, đổ vỡ, sự thua thiệt thường nghiêng về người phụ nữ và các con của họ. Câu chuyện buồn của chị Giàng Thị H xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là một minh chứng điển hình.

Một chiều muộn cuối tháng 5/2022, có một phụ nữ chừng 37-38 tuổi dẫn theo một đứa trẻ mặt mũi lem luốc với khuôn mặt hốc hác và thái độ lo lắng tìm đến với chi nhánh trợ giúp pháp lý số 5 huyện Mường Nhé để xin tư vấn thủ tục ly hôn. Qua câu chuyện chị cho biết mình tên là Giàng Thị H, quê xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Năm 2008, chị lấy anh Mùa A T bản HT, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên làm chồng theo phong tục. Do không hiểu biết pháp luật nên hai vợ chồng không đến UBND xã đăng ký kết hôn theo quy định. Thời gian đầu chung sống của hai vợ chồng khá hạnh phúc. Đến năm 2012, hai vợ chồng tách hộ riêng, được bố mẹ chia cho 02 con trâu, 04 con dê, mấy đám nương và ít ruộng nước đủ canh tác để nuôi sống gia đình. Nhưng đến cuối năm 2019, anh T giấu vợ bán hết 05 con trâu và 30 con dê được hơn 100 triệu và cầm tiền bỏ nhà đi đâu không rõ. Giữa tháng 4/2022, anh T trở về sống nhờ nhà anh em, yêu cầu vợ phải ly hôn và ra đi với hai bàn tay trắng. Sau khi quay về anh T cho biết bỏ nhà sang sinh sống bên nước bạn Lào cho đến nay. Chị H cho biết thêm, hằng ngày anh T yêu cầu vợ phải ly hôn và thái độ ngày càng hung hăng khi bắt vợ phải giao lại nhà cửa, đất đai và ba đứa con cho anh T. Sự việc mỗi lúc càng trầm trọng nhưng anh em họ hàng coi như không biết và chị H đã nhiều lần đề nghị hòa giải nhưng mọi người đều phớt lờ.

Cuộc sống người mẹ đơn thân nuôi ba con từ năm 2019 đến nay đã là một gánh nặng quá sức khi mà chồng bán hết gia súc cầm tiền bỏ đi biệt tích gần ba năm; đến khi trở về lại bắt ép vợ phải ly hôn ra đi tay trắng. Chị H như đi vào ngõ cụt không lối thoát cho cuộc sống hôn nhân của mình và chị cho biết trong lúc bế tắc, chị nhớ đến có lần đoàn công tác trợ giúp pháp lý về bản truyền thông pháp luật có căn dặn nếu ai có vướng mắc pháp luật thì hãy đến với chi nhánh trợ giúp pháp lý số 5 huyện Mường Nhé để được giúp đỡ. Và thế là chị đã tìm đến với chi nhánh trợ giúp pháp lý số 5, huyện Mường Nhé để nhờ trợ giúp.

Chi nhánh đã tiếp nhận yêu cầu và thực hiện hướng dẫn tư vấn cho chị H: Căn cứ Bộ luật dân sự 2015, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014; về hôn nhân: mối quan hệ giữa Giàng Thị H và ông Mùa A T chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận vợ chồng hợp pháp. Về tài sản, con chung hai bên có quyền tự thoả thuận, trường hợp không tự thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết theo quy định chung. Trường hợp hai bên đồng thuận, hoá giải mâu thuẫn, nguyện vong duy trì mối quan hệ và không vi phạm điều cấm trong hôn nhân, thì hai bên cần thực hiện việc đăng ký kết hôn tại UBND xã Nậm Kè. Từ đó phân tích hậu quả pháp lý khác nhau khi việc giải quyết ly hôn trong trường hợp hôn nhân hợp pháp và không hợp pháp để chị H hiểu, đảm bảo quyền lợi của chị và các con khi ly hôn. Sau khi được tư vấn Chị H cho biết về nhà suy nghĩ vài hôm, nếu chồng vẫn nhất quyết bắt chị phải ly hôn, thì chị H sẽ đến với chi nhánh trợ giúp pháp lý số 5 giúp làm thủ tục và bảo vệ quyền lợi cho chị tại tòa.

Khi tiễn chị H cùng đứa con ra về dưới tiết trời se lạnh giữa tháng 5, tôi không khỏi ngậm ngùi trước sự hồn nhiên của đứa trẻ khi đòi mẹ hái bông hoa hồng trước cửa chi nhánh. Đứa trẻ chưa thể nhận thức được nhiều việc cha mẹ mình khi không thể hòa hợp, sự thiếu thốn “tình mẫu tử” hay “tình phụ tử” đều ảnh hưởng đến tương lai, cuộc sống của các cháu như thế nào? Sau mỗi vụ việc là một câu chuyện đáng suy ngẫm cho người trong cuộc và cho giá trị nền tảng bị phá vỡ. Công tác phố biến, giáo dục pháp luật cần được tăng cường hơn nữa và cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Các chú xử hay là rất tốt, nhưng nếu không phải hay xử còn tốt hơn”. Người muốn nhắc nhở chúng ta biết rõ tầm quan trọng trong việc đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho dân biết, dân hiểu và dân thực hiện sao cho đúng luật. Qua bài viết, chúng tôi mong muốn đóng góp sức nhỏ bé của mình trợ giúp người dân nhiều hơn nữa để từ đó làm giảm bớt các mẫu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho họ. Từ đó tránh được những vụ án thương tâm có thể xảy ra trong cuộc sống hằng ngày./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 2.437.947
      Online: 6