Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM

  Ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên được thành lập theo Quyết định số 21/QĐ-UB ngày 25/5/1983 của UBND tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) về việc chuyển Ban Pháp chế thuộc UBND tỉnh thành Sở Tư pháp - đây là mốc son, đánh dấu sự hình thành của Ngành Tư pháp Điện Biên - Lai Châu. Trong giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1993, theo Nghị định số 143/HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng, Sở Tư pháp được giao quản lý nhà nước về mặt tổ chức các Toà án nhân dân địa phương. Trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2003, theo Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 04/6/1993 của Chính phủ, Sở Tư pháp được giao thêm nhiệm vụ quản lý về một số mặt công tác thi hành án dân sự. Trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2009, theo Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ, Sở Tư pháp được giao thêm nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật. Từ năm 2009 đến nay, Sở Tư pháp được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới trong công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính, quản lý về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, quản lý luật sư, công chứng đấu giá, kiểm soát thủ tục hành chính…

Trải qua quá trình 35 năm hoạt động, xây dựng và phát triển cùng với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước, ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức bộ máy, cán bộ; chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác tư pháp ngày càng được nâng cao. Từ bước khởi đầu thành lập với tổ chức bộ máy có 02 phòng, gồm Văn phòng và Phòng Tổ chức cán bộ và quản lý tòa án, với 08 cán bộ, vượt qua khó khăn, thử thách, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên đã vươn lên với quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được UBND tỉnh và Bộ Tư pháp giao, các nhiệm vụ, công việc được triển khai thực hiện đầy đủ với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, đáp ứng với yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế. Đặc biệt là sự chú trọng xây dựng phát triển số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành tư pháp. Đến nay đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị thuộc sở là 68 người, trong đó: Văn phòng và 06 phòng chuyên môn là 33 công chức, 03 đơn vị thuộc Sở gồm Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Phòng Công chứng số 1 là 35 viên chức và người lao động. 86% công chức, viên chức trong ngành có trình độ cử nhân (trong đó có 73% cử nhân luật, có 01 đang nghiên cứu sinh tiến sĩ luật học, 03 thạc sĩ luật, 05 đã học xong chương trình đào tạo thạc sĩ luật, đang làm luận văn tốt nghiệp). Trình độ lý luận chính trị: có 11 cử nhân và cao cấp lý luận chính trị, 12 trung cấp lý luận chính trị.

Đối với cơ quan tư pháp cấp huyện, ban đầu chỉ thành lập 6 phòng tư pháp cấp huyện, đến giai đoạn 1988 - 1989, cơ quan Tư pháp các huyện, thị xã giải thể, chức năng quản lý hoạt động Tư pháp cấp huyện được chuyển giao cho Văn phòng UBND cùng cấp, đến năm 1993 mới tái lập trở lại. Đến nay, toàn tỉnh Điện Biên các Phòng Tư pháp được thành lập ở các huyện, thị xã Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ với 33 công chức. Trong đó 100% công chức có trình độ đại học, trên đại học, chia theo ngành học gồm 26 đại học Luật, đại học khác 7; trình độ lý luận cao cấp và trung cấp lý luận chính trị chiếm 61,8%, trong đó cao cấp chiếm 11,8%.

Vai trò của công chức tư pháp – hộ tịch xã, phường, thị trấn ngày càng phát huy tốt hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của UBND cấp cơ sở về lĩnh vực tư pháp, vừa phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân ở cơ sở. Năm 1993, toàn tỉnh có 228 cán bộ tư pháp kiêm nhiệm trong các Ban Tư pháp cấp xã tại 156 xã, phường, thị trấn, đến nay có 239 công chức tư pháp - hộ tịch làm việc tại 130 xã, phường, thị trấn, trong đó có 236 công chức có trình độ đại học và trung cấp Luật (có 41% có trình độ đại học luật), còn lại có trình độ đại học khác. Toàn tỉnh hiện có 1.804 tổ hòa giải với 9.486 hòa giải viên, hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy vai trò của mình góp phần tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ địa bàn dân cư, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sở Tư pháp đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ quá trình dự thảo xây dựng, góp ý, thẩm định ban hành hành, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật – cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương cho đến công tác tham mưu quản lý, hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống; trực tiếp thực hiện các hoạt động quản lý về hành chính tư pháp, như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, lĩnh vực bổ trợ tư pháp, luật sư, công chứng, đấu giá, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý; công tác theo dõi thi hành pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và hoạt động quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước; công tác quản lý về xử lý vi phạm hành chính, thanh tra, kiểm tra các hoạt động trong linh vực quản lý của ngành Tư pháp.

Nhìn lại 35 năm xây dựng và trưởng thành, dù ở bất cứ giai đoạn nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào, các thế hệ công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên luôn nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tư pháp dân chủ nhân dân theo tư tưởng dân quyền, pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả nổi bật, mang dấu ấn đặc trưng của ngành trong những năm qua được biểu hiện cụ thể như:

Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua được thực hiện đồng bộ, toàn diện, bảo đảm thường xuyên, liên tục. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện và khả thi, ngày càng công khai, minh bạch và dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng; phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện các văn bản của cấp trên, thực hiện đúng và có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tạo khuôn khổ pháp lý để duy trì trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đã tham mưu cho UBND tỉnh không ngừng hoàn thiện thể chế pháp lý đối với công tác xây dựng, thẩm định; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Từ năm 2010 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan tham mưu ban hành 129 Nghị quyết, 279 Quyết định Quy phạm pháp luật; tổ chức thẩm định 483 văn bản Quy phạm pháp luật; góp ý 642 văn bản; tự kiểm tra 496 văn bản; kiểm tra theo thẩm quyền 629 văn bản; rà soát 2.279 văn bản; hệ thống hóa kỳ đầu 578 văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống hóa thường xuyên hằng năm và tham mưu công bố tình trạng hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. Chất lượng văn bản  quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh ban hành đã được nâng lên. Bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; có đủ căn cứ pháp lý, đúng thẩm quyền (về nội dung và hình thức), nội dung bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Được chú trọng thực hiện, rõ nét, nhất là tham mưu cho cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành đối với lĩnh vực PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng và thực hiện quy ước; củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL với 46 thành viên và ngày càng thể hiện rõ vai trò tư vấn cho UBND tỉnh trong triển khai thực hiện công tác PBGDPL. Tiêu biểu như năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức 18.549 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp cho 927.057 lượt người tham dự; tổ chức 10 cuộc thi thu hút 2.472 lượt người dự thi; thực hiện phát sóng 3.127 lần chương trình PBGDPL trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã và đăng tải, phát 5.031 tin, bài về pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng; các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã biên soạn và cấp phát 106.464 tài liệu tuyên truyền pháp luật (trong đó 17.542 tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số).

Công tác bổ trợ tư pháp: Đã tham mưu làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức hành nghề Luật sư, hoạt động tư vấn pháp luật tại địa phương, trợ giúp pháp lý, công chứng, đấu giá tài sản, giám định tư pháp…; góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước khẳng định ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò quan trọng của các tổ chức bổ trợ tư pháp trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ pháp lý của tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó nổi bật là phát triển đội ngũ luật sư đạt 95% so với mục tiêu phát triển Luật sư đến năm 2020, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá tài sản, phát triển đội ngũ công chứng viên, đấu giá viên, giám định viên, phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức, của công dân, phục vụ đắc lực công tác quản lý xã hội của tỉnh. Hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí đến tận cơ sở, nhất là các xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để trợ giúp pháp lý miễn phí cho gần 20 ngàn vụ việc, với 25 ngàn lượt người nghèo, đối tượng chính sách, gia đình cách mạnh, đối tượng yếu thế trong xã hội được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí.

Công tác hành chính tư pháp có những chuyển biến rõ nét, đáp ứng yêu cầu của cá nhân tổ chức trên địa bàn. Nổi bật là công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi ngày đi vào nề nếp, các sự kiện hộ tịch phát sinh trên địa bàn đã được đăng ký kịp thời, tỷ lệ đăng ký hộ tịch ngày càng được nâng cao, năm sau cao hơn năm trước; bước đầu đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch phục vụ cho các hoạt động quản lý nhà nước và các giao dịch dân sự của người dân; cơ quan đăng ký hộ tịch các các cấp được củng cố kiện toàn, được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Cơ bản đã giải quyết được tình trạng người không quốc tịch cư trú trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước tại địa bàn dân cư. Các yêu cầu chứng thực của người dân đã được cơ quan tư pháp cấp huyện, cấp xã giải quyết nhanh chóng, thuận tiện đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Công tác lý lịch tư pháp đã và đang từng bước đi vào ổn định: cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bước đầu được xây dựng, phục vụ việc tra cứu, xác minh thông tin án tích để cấp phiếu lý lịch tư pháp, số lượng hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, tổ chức  ngày càng tăng, đã khắc phục được tình trạng cấp phiếu lý lịch tư pháp quá hạn. Đến nay, 100% phiếu lý lịch tư pháp được cấp sớm hạn, đúng hạn.

Tham mưu làm tốt về công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tích cực ngăn chặn các phát sinh, tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật có tác động tiêu cực, giảm thiểu các thiệt hại về kinh tế, sức khoẻ, môi trường…do các hành vi vi phạm gây ra cho người dân và xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ công việc, xây dựng mô hình một cửa liên thông, gắn với cải cách hành chính của toàn ngành.

Với kết quả trong công tác của ngành 35 năm qua, Tập thể Sở Tư pháp Điện Biên và 02 cá nhân đã được Chủ tịch nước cộng hòa XHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba; 02 tập thể, 10 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tư pháp tặng Cờ thi đua 01 lần và tặng Bằng khen cho 142 lượt tập thể, 309 lượt cá nhân, 92 cá nhân được Kỷ niệm chương “ Vì sự nghiệp Tư pháp”; Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên 02 lần tặng Cờ thi đua xuất sắc cho tập thể Sở, tặng Bằng khen cho 164 lượt tập thể và 439 lượt cá nhân,... đó chính là những minh chứng sinh động về sự đóng góp to lớn công sức, trí tuệ của các thế hệ công chức, viên chức ngành Tư pháp.

Để có được những kết quả, thành tích nêu trên, trong 35 năm phát triển của ngành Tư pháp Điện Biên đã biết phát huy sức mạnh tập thể, đoàn kết trong ngành và biết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội. Trong quá trình hoạt động, mỗi bước đi và từng thành quả đạt được, ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ, cộng tác của các ngành, các cấp trong tỉnh. Sự thống nhất đoàn kết, trách nhiệm kỷ cương và gắn bó với ngành của đội ngũ công chức, viên chức người lao động của ngành trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Sau 35 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ Tư pháp đã đúc kết được những bài học truyền thống quý báu, đó là trung thành với Đảng và lợi ích của nhân dân, dân chủ và đoàn kết, năng động và sáng tạo trong tư duy pháp luật và hoạt động thực tiễn; củng cố tổ chức tương xứng với nhiệm vụ được giao và thường xuyên chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng toàn diện đội ngũ cán bộ tư pháp.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam là: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngành Tư pháp phải kiên định lập trường tư tưởng, luôn giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống pháp luật của nước ta; Ngành tư pháp phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc vấn đề này, làm tốt hơn nữa việc nghiên cứu, làm rõ hơn và từng bước bổ sung, đổi mới cả về lý luận và thực tiễn hoàn thiện thể chế theo phương châm học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài, nhưng phải biết sàng lọc, vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tuyệt đối không được mơ hồ mất cảnh giác để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách hướng lái luật pháp của chúng ta đi theo con đường khác nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay”. Trước hết ngành tư pháp phải phát huy vai trò của mình trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi cá nhân, tổ chức có ý thức chấp hành đúng pháp luật; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, lý lịch tư pháp; đẩy mạnh xã hội hoá việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, góp phần đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đó chính là định hướng và mục tiêu của toàn ngành Tư pháp Việt Nam nói chung, ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên trong những năm tới 

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc những định hướng trên và từ những học thực tiễn sau 35 năm xây dựng, trưởng thành, toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên quyết tâm thể hiện tinh thần Đoàn kết – Trí tuệ - Dân chủ - Năng động – Sáng tạo, không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ tư pháp theo tấm gương của Bác Hồ; tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn; kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ đi trước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

_________

 Liên kết website
Thống kê truy cập
Thống kê: 2.437.965
Online: 20