Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM

Thực hiện Kế hoạch số 99/KH-PTP ngày 02/6/2021 của Phòng Tư pháp huyện Điện Biên về việc kiểm tra công tác Tư pháp địa phương năm 2021. Từ ngày ngày 13/7/2021 đến hết ngày 28/7/2021, Phòng Tư pháp đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác Tư pháp do đồng chí Lê Tiến Dũng – Phó Trưởng Phòng Tư pháp làm Trưởng đoàn. Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại UBND các xã: Mường Nhà, Na Tông, Hẹ Muông, Núa Ngam, Sam Mứn, Thanh An, Noong Luống, Thanh Hưng, Mường Pồn và Hua Thanh trên địa bàn huyện.

Qua công tác kiểm tra cho thấy:
Thứ nhất, về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống văn bản QPPL: UBND các xã đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL 2021 trên địa bàn của từng xã. Trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các xã không phát sinh việc tự kiểm tra, theo đó các xã vẫn thực hiện việc rà soát văn bản QPPL còn hiệu lực thi hành như xã: Sam Mứn, Hua Thanh, Mường Nhà, Na Ư, Núa Ngam.
Thứ hai, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: Nhìn chung, UBND các xã được kiểm tra đã ban hành kế hoạch về theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2021 và Kế hoạch về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2021 và tổ chức thực hiện trên địa bàn các xã. Qua công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong 6 tháng đầu năm 2021 UBND các xã đã hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiêu biểu như: UBND xã Thanh Hưng cấp mới GCNQSDĐ 06 hồ sơ; cấp lại 01 hồ sơ; cấp tăng diện tích 17 hồ sơ; cấp đổi 03 hồ sơ; cấp giảm diện tích 02 hồ sơ. Phối hợp với UBND huyện thực hiện thủ tục thu hồi đất làm nhà văn hóa tại 03 thôn bản. UBND xã phối hợp với kiểm lâm địa bàn thực hiện rà soát diện tích đất quy hoạch  03 loại rừng; rà soát bổ sung đất rừng tự nhiên; rà soát diện tích đất đã giao và chưa giao. Trong 6 tháng đầu năm không phát sinh sai phạm, vướng mắc, không có khiếu nại, tố cáo về các trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất về giao đất giao rừng và chuyển mục đích sử dụng đất. Việc thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, quản lý sử dụng tủ sách pháp luật: UBND 11 xã được kiểm tra đã xây dựng kế hoạch về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 và ban hành nhiều văn bản triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các xã đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép các văn bản pháp luật được 658 cuộc với 22.648 lượt người dự (có hồ sơ lưu trữ đầy đủ); treo 331 băng rôn, 01 pano, phát 6.700 tờ rơi, tiếp sóng trực tiếp loa phát thanh 15.400 lần; phát sóng trên loa phát thanh các thôn bản 13.700 lần. UBND 11 xã được kiểm tra đều kiện toàn tuyên truyền viên pháp luật và duy trì đội ngũ tuyên truyền viên hoạt động có hiệu quả. Đa số UBND xã đã ban hành văn bản chỉ đạo, phân công cho các thành viên phụ trách theo dõi và chấm điểm tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật năm 2021 trên địa bàn các xã. Trong  6 tháng đầu 2021 đã triển khai thực hiện lấy phiếu đánh giá sự hài lòng về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính với 5 lĩnh vực: tư pháp, văn hóa - xã hội, an ninh trật tự, địa chính-xây dựng, văn phòng-thống kê,…Thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết UBND các xã đều bố trí Tủ sách pháp tại bộ phận một cửa của UBND xã. Tuy nhiên việc khai thác tủ sách pháp luật trên địa bàn xã chưa được hiệu quả. UBND xã đang đề xuất sát nhập với Trung tâm học tập cộng đồng và điểm bưu điện - văn hóa xã để tiện lợi cho dân khai thác tìm hiểu pháp luật. Nhìn chung, công tác kiểm tra cho thấy tại UBND các xã được kiểm tra đã quan tâm thực hiện đúng chế độ chi thù lao cho tổ hòa giải theo vụ việc và chế độ chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải theo Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND ngày 22/12/2015 của UBND tỉnh Điện Biên. Năm 2021 các xã đều phân bổ kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của mỗi xã 15.000.000/năm, riêng 02 xã Na Ư và Pa Thơm mỗi xã 12.000.000/năm để chi cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở.
Thứ tư, về công tác Hành chính tư pháp: UBND các xã đã thực hiện tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; thực hiện nghiêm túc Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai tốt phần mềm đăng ký hộ tịch; liên thông kết nối dữ liệu khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn theo đúng quy định; các sổ ghi chép đầy đủ, rõ ràng, có thực hiện việc thống kê và khóa sổ; đa số hồ sơ giải quyết đúng và sớm hẹn. Thực hiện nghiêm Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; Thông tư Số 01/2020/TT-BTP ngày 03/03/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; Kế hoạch số 1018/KH-STP, ngày 26/8/2020 của Sở Tư Pháp tỉnh Điện Biên về việc Kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng khai thác phần mềm quản lý chứng thực và thông tin ngăn chặn trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm, về tổ chức, bộ máy, biên chế thực hiện công tác Tư pháp: Việc cơ cấu công chức tư pháp của xã bố trí đúng quy định, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có 16 xã được bố trí 02 công chức Tư pháp – Hộ tịch đảm bảo đúng theo quy định; còn lại 05 xã mới bố trí được 01 công chức Tư pháp – hộ tịch gồm: Noong Luống, Thanh Yên, Thanh An, Thanh Xương, Hua Thanh. Do vậy, các xã có 01 công chức tư pháp gặp khó khăn khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ tiếp công dân và nhập dữ liệu, thời gian làm công tác chuyên môn của công chức tư pháp - hộ tịch tương đối lâu dài, bởi vậy, mục tiêu đặt ra cho các địa phương đều phải có tính kế thừa. Về trình độ chuyên môn các xã có 32 cử nhân Luật, 05 trung cấp Luật đang theo học Đại Luật, hệ vừa làm vừa học.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế cần lưu ý như: Một số hồ sơ không lưu giấy tờ chứng minh quan hệ huyết thống của người nhận di sản và người để lại di sản, hồ sơ chứng thực chữ ký người dịch, phần người ký chứng thực còn bỏ sót, chưa ký nháy đầy đủ vào các trang; Sổ Đăng ký khai sinh có một số trường hợp bỏ trống mục ghi giấy tờ tùy thân của người đi đăng ký khai sinh; Sổ Đăng ký kết hôn không ghi ngày tháng năm xác lập quan hệ hôn nhân và một số sai sót khác. Về cơ cấu công chức Tư pháp - Hộ tịch của xã tuy được bố trí đầy đủ nhưng về trình độ chuyên môn có 01 công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch. Việc thực hiện Quyết định số 14/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn bất cập, việc khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật tại bộ phận một cửa của UBND các xã không phát huy được hiệu quả, nguyên nhân do bùng nổ các trang mạng xã hội như facebook, zalo và các mạng xã hội khác cập nhật nhanh chóng, do vậy, việc tìm hiểu, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật đối với cán bộ và người dân không còn hiệu quả.
Qua kiểm tra, Đoàn đã có một số kiến nghị như sau: Đề nghị UBND các xã tiếp tục phát huy những mặt đạt được trong công tác tư pháp trong thời gian qua, đồng thời chỉ đạo khắc phục kịp thời những hạn chế, tồn tại. Đề nghị củng cố kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã đảm bảo trình độ chuyên môn từ trung cấp Luật trở lên; cử công chức Tư pháp - Hộ tịch tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ Hộ tịch đảm bảo theo quy định, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành tới cán bộ và nhân dân. Tiếp tục thực hiện phần mềm Hộ tịch và phần mềm cơ sở dữ liệu về chứng thực; quan tâm bố trí trang thiết bị máy vi tính, đường truyền Internet đủ mạnh để đảm bảo mỗi công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã được trang bị đầy đủ máy vi tính để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trên 02 phần mềm hộ tịch và chứng thực. Tiếp tục quan tâm, phân bổ kinh phí để công tác PBGDPL đạt hiệu quả cao; chú trọng chính sách xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động PBGDPL tại địa phương.
Công tác kiểm tra đã cho thấy chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp tại cơ sở được thực hiện cơ bản đảm bảo theo quy định của pháp luật, từ đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, đời sống nhân dân trên địa bàn huyện./.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 2.383.540
      Online: 20