Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM

Ngày 25/12/2023, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2024. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo Hội nghị; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Dự tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, các Sở, ban, ngành, Đoàn Luật sư, Hội Luật Gia, Hội Công chứng ..                                                        Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Trong năm 2023, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” của Chính phủ, tiếp tục có nhiều đổi mới, quyết liệt, kịp thời, nổi bật.

Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 05 nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 515 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Các địa phương đã ban hành 3.763 VBQPPL cấp tỉnh 2.523 VBQPPL cấp huyện và 1.750 VBQPPL cấp xã. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định 44 đề nghị xây dựng văn bản và 238 dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 543 dự thảo VBQPPL; các địa phương đã thẩm định 7.404 dự thảo VBQPPL (riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp thẩm định: 739 đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 1.896 dự thảo VBQPPL; các địa phương đã thẩm định 22.983 dự thảo VBQPPL).

 

Toàn cảnh hội nghị tại các điểm cầu trên cả nước.

Năm 2023, cả nước đã tổ chức được 436.362 cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho gần 32,3 triệu lượt người; tổ chức 10.936 cuộc thi cho gần 11,5 triệu lượt người dự thi; phát hơn 44 triệu tài liệu tuyên truyền (từ đầu nhiệm kỳ, cả nước tổ chức gần 1,47 triệu cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp cho hơn 100 triệu lượt người); các hòa giải viên đã tiếp nhận 90.522 vụ việc, với tỷ lệ hòa giải thành công trung bình là 84,7% và nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại địa bàn cơ sở (từ đầu nhiệm kỳ, cả nước tiếp nhận 302.172 vụ việc hòa giải và số hòa giải thành công là 259.554 vụ việc).

Nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được các Sở Tư pháp chủ động tham mưu đưa vào chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật hằng năm. Tính đến nay có trên 10.000 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỉ lệ trên 95%.

Công tác thi hành án dân sự đạt hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay), trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ đồng so với năm 2022.

Công tác trợ giúp pháp lý đã được triển khai đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện 83.389 vụ việc, trong đó có 67.748 vụ việc tham gia tố tụng.

Năm 2024, ngành Tư pháp tập trung 09 nhiệm vụ trọng tâm.
Để công tác tư pháp đạt hiệu quả cao, trong năm 2024, toàn ngành Tư pháp sẽ tập trung 09 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể:

Thứ nhất, kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, nhất là tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Thứ hai, thực hiện nghiêm Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về THADS, THAHC. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS được Quốc hội, Chính phủ giao. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Tham mưu giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về THAHC.
Thứ ba, tiếp tục tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp. Thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung sửa đổi VBQPPL để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định liên quan hoạt động kinh doanh.

Thứ tư, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bổ trợ tư pháp; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…

Thứ năm, tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật; thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương trong đó chú trọng hiệu quả hợp tác với các đối tác láng giềng, truyền thống và hữu nghị; thực hiện tốt quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, nhất là các hoạt động hợp tác trong  xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế.

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác xây dựng ngành; kiện toàn tổ chức và sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức Bộ Tư pháp theo yêu cầu của Nghị định số 98/2022/NĐ-CP, Quyết định 792/QĐ-TTg ngày 04/7/2023 ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp và các Thông tư, quy định khác có liên quan theo đúng yêu cầu của vị trí việc làm. Thực hiện tốt các nhiệm vụ của công tác cán bộ, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức và công tác đào tạo tại các cơ sở đào tạo của Bộ tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho bộ, ngành Tư pháp.
Thứ bảy, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tư pháp trong sạch, chuyên nghiệp, bản lĩnh, ngang tầm nhiệm vụ tinh thần các Nghị quyết của Đảng và yêu cầu của Chính phủ, nhất là Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TPHCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chương trình tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân Luật giai đoạn 2023-2030; Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng lộ trình đã đề ra.
Thứ tám, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác thanh tra đột xuất, thanh tra các cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lĩnh vực do Bộ, ngành Tư pháp quản lý có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
Thứ chín, tập trung, chủ động, quyết liệt trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; phấn đấu đảm bảo kết quả giải ngân vốn đầu tư năm 2024 theo tiêu chí được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Đồng chí Trần Lưu Quang Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ  phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá năm 2023, trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, biến động, tuy nhiên đất nước ta đã vượt qua các trở ngại, đạt được kết quả đáng khích lệ, trong đó có sự đóng góp đáng kể của ngành Tư pháp. 
Tuy các công việc của Bộ, ngành Tư pháp khó, nhiều, có yêu cầu cao về tính tức thời, tuy nhiên Bộ, ngành Tư pháp đã cố gắng đạt được những kết quả tích cực. Ngoài các kết quả đã được đề cập tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cũng điểm lại một số thành tích trong cải cách hành chính, chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp; đồng thời chỉ ra một số tồn tại trong công tác của Bộ, ngành Tư pháp như: còn nợ một số văn bản quy định chi tiết, chế độ dành cho cán bộ làm công tác tư pháp, pháp luật còn hạn chế. Thủ tướng nhấn mạnh, vị thế của đất nước đang đi lên, đòi hỏi thể chế cần tiếp tục hoàn thiện. Điều này tạo áp lực cho ngành Tư pháp trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật phù hợp với pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, đây không chỉ là công việc của riêng Bộ Tư pháp mà còn là trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, cơ quan trong hệ thống chính trị, trong đó vai trò của Bộ Tư pháp là rất lớn, chịu trách nhiệm tổng hợp, rà soát văn bản chưa hoàn chỉnh.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị toàn ngành Tư pháp cần cố gắng hơn nữa để tìm ra giải pháp thực hiện, tháo gỡ vướng mắc đang gặp phải; trong đó lưu ý xây dựng thể chế phải kịp thời, có chất lượng để hạn chế tình trạng sửa luật; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 34/2016/NĐ-CP; sửa đổi, điều chỉnh lại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và năm 2025; kịp thời, chính xác trong công tác thẩm định các dự thảo, dự án Luật trình Chính phủ. Cùng với đó, cũng cần nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; tăng cường giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thấm. 
Đối với công tác xây dựng ngành, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ, ngành Tư pháp cần có giải pháp để cán bộ trong ngành yên tâm công tác, giữ được niềm tin với công việc, gắn bó với ngành. Để làm được điều này, trước hết, các đồng chí lãnh đạo phải nêu cao ý thức gương mẫu và tạo được nguồn năng lượng truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó, Bộ, ngành Tư pháp cũng cần làm tốt công tác phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, các địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; thường xuyên trau dồi trình độ chuyên môn, có chế độ phù hợp cho cán bộ làm công tác luật quốc tế bởi đây là lĩnh vực cực kỳ khó và nhạy cảm. Chia sẻ với những khó khăn của Bộ, ngành Tư pháp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương chung tay góp sức để giải quyết các vướng mắc trong công tác tư pháp và pháp luật đồng thời mong toàn ngành Tư pháp “chân cứng, đá mềm” nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được phân công./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 2.451.380
      Online: 8