Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM

Câu hỏi số 01:

Hỏi: Xin hỏi, công ty tôi là công ty thương mại dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người, tổng doanh thu của năm chỉ khoảng 8 tỷ đồng nhưng tổng nguồn vốn của công ty khoảng hơn 3 tỷ đồng. Vậy có được xác định là doanh nghiệp siêu nhỏ để được hưởng các chính sách hỗ trợ liên quan hay không ạ?

          Đáp: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì Doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.

Tại Khoản 1 Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 thì doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:

          - Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;

          - Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

Mặt khác, tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ hướng dẫn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định: “1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.”. Như vậy, căn cứ quy định trên đây thì doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ được xác định là doanh nghiệp siêu nhỏ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Trường hợp thứ nhất:

- Có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người;

- Tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng.

(2) Trường hợp thứ hai:

- Có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người;

- Tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Đối với trường hợp công ty bạn có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người, tổng doanh thu của năm chỉ khoảng 8 tỷ đồng nhưng tổng nguồn vốn của công ty thì hơn 3 tỷ đồng, thì được xác định thuộc trường hợp thứ nhất nên doanh nghiệp của bạn được xác định là doanh nghiệp siêu nhỏ, do đó doanh nghiệp của bạn được hưởng các chính sách hỗ trợ như sau:

- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 20 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ;

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc không quá 70 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp siêu nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp xã hội.

 

Câu hỏi số 02:

Hỏi: Việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định như thế nào? Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đáp ứng những điều kiện để được cấp bảo lãnh tín dụng?

          Đáp: Việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Điều 8 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 với nội dung như sau:

          - Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

          - Doanh nghiệp nhỏ và vừa được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

          - Doanh nghiệp nhỏ và vừa được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa là quỹ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Việc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết; không được từ chối bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ điều kiện được bảo lãnh.

Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét cấp bảo lãnh khi doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 16 Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm:

(1) Thuộc các đối tượng được cấp bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 34/2018/NĐ-CP bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và các văn bản hướng dẫn, có tiềm năng phát triển nhưng chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng ở các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng.

(2) Đáp ứng các điều kiện sau (quy định tại Điều 16 Nghị định 34/2018/NĐ-CP):

- Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay.

- Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh.

- Có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh.

- Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ thuế từ 01 năm trở lên theo Luật quản lý thuế và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Nếu doanh nghiệp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp.

- Có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định tại Điều 25 Nghị định 34/2018/NĐ-CP.

 

Câu hỏi số 03:

Hỏi: Theo tôi được biết việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, ngoài các cơ quan nhà nước thì còn có các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trách nhiệm gì? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào? 

          Đáp: Cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là các cơ quan, đơn vị, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có chức năng thực hiện các hoạt động liên quan đến hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Trách nhiệm trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm của các cơ quan nhà nước; các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Điều 27 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 như sau:

          1. Thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các điều kiện, cam kết với cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật này; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tuân thủ các thủ tục hành chính.

          2. Cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời, đầy đủ và chính xác cho cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để chứng minh, xác nhận việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

          3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm với cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp theo hợp đồng cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

          4. Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư thành lập, quản lý và vận hành tổ chức thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hình thức đối tác công tư hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

 

Câu hỏi số 04:

Hỏi: Hỗ trợ thuế kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định như thế nào?

Đáp: Hỗ trợ thuế kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Điều 10 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, cụ thể:

          “1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

          2. Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.”.

          Hiện nay, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng theo 02 mức được quy định tại khoản 6 Điều 1 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013 như sau:

- Mức thuế suất 20%: Áp dụng đối với tất cả các công ty (kế từ ngày 01/01/2016), trừ trường hợp công ty được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam (kể cả hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp) hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20%.

- Mức thuế suất từ 32% đến 50%: Áp dụng đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam.

Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng đối với các doanh nghiệp khác.

Câu hỏi số 05:

Hỏi: Tôi là hộ kinh doanh muốn chuyển sang doanh nghiệp nhỏ vậy có được hỗ trợ về lệ phí môn bài và thuế không?

Đáp: Anh/chị sẽ được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán quy định tại Điều 19 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ hướng dẫn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể:

“1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Tài chính thực hiện tư vấn, hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán quy định tại khoản 1 Điều này.”./.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 2.463.177
      Online: 48