Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM

Câu hỏi số 01:

Hỏi: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là hoạt động gì, được thực hiện trên cơ sở văn bản quy phạm pháp luật nào?

Đáp: Trong quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, có thể thấy một trong những rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong hoạt động gia nhập thị trường và tiến hành kinh doanh là các chi phí để tuân thủ các quy định của pháp luật.

Ngoài các quy định pháp luật chung về doanh nghiệp, thương mại, thuế…, các doanh nghiệp còn phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực kinh doanh của mình đồng thời trong hoạt động kinh doanh, đàm phán, kí kết và thực hiện hợp đồng với khách hàng, đối tác, doanh nghiệp cũng rất cần am hiểu các quy định của pháp luật, để có cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do vậy, nhu cầu được tư vấn, hướng dẫn về các quy định pháp luật của doanh nghiệp là rất lớn, bên cạnh việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý từ các tổ chức hành nghề luật sư, các trung tâm tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý của Nhà nước là một kênh quan trọng để thỏa mãn nhu cầu về pháp lý của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định như sau: “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là việc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện các hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”.

Như vậy, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững và lâu dài.

Hiện nay, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện trên cơ sở Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ hướng dẫn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Câu hỏi số 02:

Hỏi: Các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm những hoạt động gì?

Đáp: Theo quy định tại mục 1 và mục 2 Chương 2 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm các hoạt động sau:

1. Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật để phục vụ nhu cầu khai thác của doanh nghiệp bao gồm:

- Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật;

- Cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý;

- Dữ liệu về bản án, quyết định của tòa án, phán quyết của trọng tài thương mại, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp;

- Dữ liệu về văn bản trả lời của cơ quan nhà nước đối với vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Dữ liệu về văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật và thủ tục hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật

Các cơ sở dữ liệu này được đăng tải trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Tư pháp); Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm:

a) Hoạt động cung cấp thông tin, bao gồm thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu có);

b) Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bao gồm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật;

c) Hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực theo quy định.

Câu hỏi số 03:

Hỏi: Dựa trên tiêu chí nào để đánh giá doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật?

Đáp: Căn cứ Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định:

“1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

2. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.”.

Câu hỏi  số 04:

          Hỏi: Tôi là hộ kinh doanh muốn chuyển thành doanh nghiệp nhỏ thì được hỗ trợ tư vấn hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp như thế nào?

          Đáp: Theo Điều 15 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tư vấn, hướng dẫn miễn phí hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp về:

a) Trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp;

b) Trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện (nếu có).

2. Hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn các nội dung tại khoản 1 Điều này, gửi đề nghị hỗ trợ thông qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tới Sở Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ đề nghị gồm: Bản sao hợp lệ Giấy đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh; Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế; Bản sao hợp lệ chứng từ nộp lệ phí môn bài, các loại thuế và khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có), tờ khai thuế trong thời hạn 01 năm trước khi chuyển đổi.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn miễn phí các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.

Câu hỏi số 05:

          Hỏi: Doanh nghiệp em có được xác định là doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, không rõ khi truy cập vào thông tin chỉ dẫn kinh doanh trên cổng thông tin điện tử quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì có được miễn phí truy cập không ạ?

         Đáp: Doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn phí truy cập thông tin quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 thì các thông tin sau đây được công bố trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang thông tin điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, bao gồm:

          - Thông tin về kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

          - Thông tin chỉ dẫn kinh doanh; thông tin về tín dụng, thị trường, sản phẩm, công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp;

          - Các thông tin khác theo nhu cầu của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật.

         Từ những căn cứ nêu trên, doanh nghiệp của bạn là doanh nghiệp nhỏ được miễn phí truy cập thông tin chỉ dẫn kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Câu hỏi số 06:

          Hỏi: Trước đây tôi có kinh doanh dưới hình thức hộ gia đình, vậy cho hỏi tôi muốn chuyển đổi sang doanh nghiệp nhỏ và vừa, vậy doanh nghiệp của tôi được nhà hỗ trợ như thế nào? 

          Đáp: Theo Khoản 2 Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 quy định hỗ trợ cho hộ gia đình chuyển đổi sang doanh nghiệp vừa và nhỏ, cụ thể như sau:

          “Nội dung hỗ trợ bao gồm:

          - Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp;

          - Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

          - Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

         - Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.”.

Câu hỏi số 07:

          Hỏi: Quy định thế nào về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ theo quy định pháp luật hiện hành?  

          Đáp: Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 quy định: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ là doanh nghiệp nhỏ và vừa có một hoặc nhiều phụ nữ sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, trong đó có ít nhất một người quản lý điều hành doanh nghiệp đó.”.

Việc quy định như vậy nhằm bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong việc tham gia và ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích phụ nữ tham gia vào quyết định và quản lý kinh doanh, từ đó đẩy mạnh vai trò và đóng góp của phụ nữ trong doanh nghiệp.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 2.462.429
      Online: 32