Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM

Mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi, đâm chồi nảy lộc. Rừng núi khoác lên mình một bộ áo mới – màu xanh của lộc non, những chú chim ríu rít ca vang,… Đặc biệt hơn nữa là sự hiện diện của những bông hoa ban thi nhau khoe sắc trong nắng vàng với sắc màu trắng tím và hương thơm nồng say của loài hoa này bay khắp các nẻo đường trên vùng đất Điện Biên thân yêu.

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối tháng 2 đầu tháng 3 hàng năm,  hoa ban nở rộ tạo nên một bức tranh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình. Sức sống của cây ban cũng rất mãnh liệt, dù trên đồi cỏ gianh khô cằn hay bám vào vách đá cheo leo, hoặc dưới những thung sâu hút tầm mắt, đều có thể bắt gặp những bông hoa ban trắng trong mơ màng, thỉnh thoảng xen lẫn một vài cây ban đỏ. Mùa xuân cũng là mùa của lễ hội, người dân từng người từng người diện trên mình trang phục thật đẹp với nụ cười trên môi cùng nhau đi hội xuân.

Hội xuân là nơi se duyên của rất nhiều đôi lứa nên duyên vợ chồng nhưng cũng là nơi khởi nguồn cho những câu chuyện đau lòng về sau. Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 2, huyện Mường Chà có tiếp nhận yêu cầu của ông Sùng Chừ L trú tại bản Pa Soan 2, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Theo lời kể của ông: “Con gái là Sùng Thị K sinh năm 2005, trong dịp đi chơi xuân Tết Nguyên đán 2019 có quen và nảy sinh tình cảm với Giàng A T trú tại bản Huổi Mí 2, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà; cả hai đã đi chơi với nhau nhiều lần và T đã có hành vi ép buộc K dẫn đến mang thai”. Thực sự là một câu chuyện đau lòng, khi còn là “trẻ con” đã lên chức mẹ, rồi cuộc sống sau này sẽ ra sao khi cuộc sống rẽ sang một hướng khác mà nhận thức về cuộc sống còn chưa đủ đầy, khi cuộc sống của người nông dân nuôi con vốn dĩ đã khó khăn nay còn phải đèo bồng thêm đứa con thơ dại, khó khăn chồng chất khó khăn. Ông L chia sẻ: ông muốn đưa hành vi của anh T ra trước pháp luật ngay từ khi biết con gái có thai nhưng đã qua một thời gian, không có bằng chứng nên mới đợi khi đứa trẻ được sinh ra, ông muốn đòi lại công bằng cho con gái của mình. Ông biết đến Trợ giúp pháp lý do một người cùng bản mách cho. Ông đến với chúng tôi, đôi mắt vẫn không giấu được nét đượm buồm khi cuộc sống con gái mình gặp phải biến cố quá lớn. Chúng tôi hướng dẫn ông các thủ tục theo quy định của pháp luật và viết đơn. Do không được học nhiều lại cộng thêm tuổi già nên chữ còn chữ mất, ông phải nhờ người viết hộ rồi kể lại diễn biến sự việc trong sự nghẹn ngào. Thật khó nói hết thành lời tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái.

Hậu quả để lại là mãi mãi, người bị hại không chỉ tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sự sợ hãi, ám ảnh. Đồng thời, người bị hại đặc biệt là những em gái nhỏ tuổi rất khó hòa nhập với cộng đồng, sống biệt lập với thế giới riêng.

Hiện nay, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng diễn ra phổ biến với mức độ và hậu quả nghiêm trọng gây nguy hại cho xã hội và gây nhiều bức xúc trong dư luận. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này mà ta phải kể đến là: Mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự du nhập của những luồng văn hóa không chính thống, lối sống thực dụng, việc tiếp xúc với phim ảnh bạo lực, khiêu dâm và văn hóa phẩm đồi trụy phần nào đã tác động tiêu cực đến tâm lý của các đối tượng phạm tội. Nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu là trẻ em gái, là những người có khả năng chống cự, phòng vệ và tự vệ còn yếu, chưa nhận thức đầy đủ về những nguy hiểm tiềm ẩn từ các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là những mối quan hệ quen biết, tình yêu qua mạng Internet. Từ đó dễ bị các đối tượng lợi dụng sự ngây thơ, sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để dụ dỗ, lôi kéo và thực hiện hành vi phạm tội. Các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về các đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, thiếu sự quan tâm chia sẻ, sự hiểu biết và nhận thức pháp luật còn hạn chế; Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa bao phủ được hết các địa bàn, đối tượng; số người thực hiện được nghiệp vụ truyền thông, tư vấn còn hạn chế nên chất lượng truyền thông trực tiếp chưa cao; các sản phẩm truyền thông sản xuất với số lượng ít... dẫn đến nhận thức, trách nhiệm, năng lực bảo vệ chăm sóc trẻ em của các cấp chính quyền, đặc biệt kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thực hành quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu hụt; việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh chưa được rộng rãi, thường xuyên,… Đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trình độ dân trí còn thấp.

Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các cộng đồng dễ xảy ra xâm hại tình dục (như trường học; vùng sâu, vùng xa;...) về các loại hình xâm hại tình dục trẻ em nói chung và tội dâm ô trẻ em nói riêng; cần giáo dục và định hình rõ hình thức, nội dung của loại tội phạm này để trẻ em biết, tránh xa và trong trường hợp bị xâm hại sẽ biết tố cáo hành vi của can phạm. Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần thực hiện khẩn trương, có trọng điểm, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, nơi tri thức pháp luật nói chung và các kiến thức về xâm hại tình dục nói riêng còn hạn chế; Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Công tác truyền thông về bảo vệ trẻ em là một trong những nội dung nằm trong chương trình công tác của Trung tâm trợ giúp pháp lý, các Chi nhánh trợ giúp pháp lý của Trung tâm đặt tại các huyện. Việc truyền thông thực hiện thông qua các hình thức như giới thiệu trực tiếp các quy định pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; truyền thông qua tờ gấp pháp luật về quyền trẻ em… Cùng với việc truyền thông pháp luật; Trung tâm trợ giúp pháp lý, các Chi nhánh của Trung tâm đã thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho đối tượng là trẻ em- người bị buộc tội hoặc bị hại trong các vụ án hình sự. Từ năm 2015 đến năm 2019, Trung tâm đã thực hiện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi 45 vụ việc cho 45 trẻ em (trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục là 21 trường hợp). Trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng là trẻ em, người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm đã đề xuất áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ nạn nhân: Áp dụng quy trình tố tụng đối với trẻ vị thành niên, tổ chức phiên tòa xét xử kín… Việc áp dụng các biện pháp này giúp trẻ em không bị ảnh hưởng về tâm sinh lý sau khi đã là nạn nhân bị xâm hại.

Qua hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em đã góp phấn nâng cao nhận thức và hành động của trẻ em trong kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Tác động đối với gia đình, nhà trường và xã hội về phòng, chống xâm hại trẻ em. Thông qua các buổi tuyên truyền và thực hành tại chỗ cho thấy với trẻ em đã có ý thức tự vệ như: không nghe lời người lạ, không nói cho người lạ biết tên tuổi, địa chỉ chỗ ở, không che giấu, tự ti, mặc cảm khi bị xâm hại. Nâng cao năng lực, trách nhiệm trong việc dạy dỗ, bảo vệ trẻ em cũng như kỹ năng tiếp cận, động viên tinh thần, chia sẻ với trẻ khi bị xâm hại từ đó giúp trẻ tự tin hơn để hòa nhập với cộng đồng.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Với Người, trẻ em là tương lai của đất nước, dân tộc và thế giới. Vì vậy, dù trong điều kiện nào, Đảng, Nhà nước luôn có những chính sách đúng đắn, ưu tiên đầu tư ngày càng tăng cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em. 

Bùi Thùy

 Chi nhánh TGPL số 2, huyện Mường Chà

 

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 2.437.117
      Online: 58