Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM

Một ngày âm u đầu đông, thời tiết như đoán trước được số phận của một vài người nào đó mà tỏ ra sụt sùi đồng cảm. Ngày hôm đó, tôi đi làm sớm hơn bình thường để chuẩn bị cho một buổi làm việc với một cuộc gọi hẹn từ ngày hôm trước. Đúng 6 giờ 45 phút, trước cổng Chi nhánh xuất hiện một người nam trung tuổi và một người nữ rất trẻ mặc trên mình trang phục của người dân tộc Mông. Vào làm việc, tôi được biết họ là hai bố con, nhưng vì chuyện hôn nhân không được suôn sẻ của cô con gái mà tới Chi nhánh tìm tôi mong được giúp đỡ. Với độ tuổi 21 cùng vẻ ngoài vô cùng non nớt của người con, có lẽ sẽ khó có ai tin nổi câu chuyện mà tôi được nghe thông qua phiên dịch của người bố dưới đây:

Cô sinh ra và lớn lên tại một bản vùng cao giáp biên giới của huyện Mường Chà. Từ bé tới lớn, cô chưa từng biết đến thế giới bên ngoài vì chưa bao giờ đặt chân ra khỏi địa phận của làng, bản cô sống. Và đây cũng là lần đầu tiên trong đời cô được xuống thăm thị trấn, được biết chợ huyện diễn ra như thế nào? Nhưng lại đi với tâm trạng không lấy gì làm vui vẻ. Vì gia cảnh nghèo khó cùng với việc gia đình lại đông anh chị em mà cô không được đi học nên không biết chữ cũng không biết tiếng phổ thông, cô chỉ có thể viết được họ tên mình do có cậu em trai hướng dẫn. Cứ nghĩ đó là chuyện thường tình cũng như các cô gái người dân tộc Mông khác trải qua nhưng do dân trí thấp, kém hiểu biết nên khi còn chưa đủ 18 tuổi cô đã phải lòng một thanh niên hơn cô 4 tuổi ở bản bên. Hai người nảy sinh tình cảm, cô và anh đã làm đám cưới rồi về ở với nhau theo phong tục tập quán từ đầu năm 2015 mà không đăng ký kết hôn do cô chưa đủ tuổi. Cùng năm đó, cậu con trai chung của hai người ra đời nhưng không được làm giấy khai sinh. Phải tới hai năm sau, khi cô hạ sinh người con thứ hai cho anh, cô mới đủ tuổi và hai người làm thủ tục đăng ký kết hôn tại UBND xã cũng như làm giấy khai sinh cho hai người con. Tuy nhiên, sau đó mâu thuẫn giữa hai vợ chồng dần nảy sinh, chồng cô thường xuyên mắng chửi vợ khi không vừa ý. Anh đi làm thuê cả một thời gian dài nhưng không hề đưa cho cô một đồng nào để phụ giúp vợ chăm sóc, nuôi dưỡng các con. Khi cô đề cập đến vấn đề này thì cô liền bị anh đuổi ra khỏi nhà mà không một đồng tiền trên người. Cô tay trắng về nương tựa nhà bố mẹ đẻ. Mặc dù được gia đình khuyên bảo nhưng trải qua nhiều mâu thuẫn cô cảm thấy không thể tiếp tục sống tiếp với anh được nữa nên cô quyết định ly hôn để giải thoát cho bản thân mình. Thấy con gái chịu quá nhiều khổ cực, người bố đã ủng hộ cô ly hôn chồng nhưng không biết làm các thủ tục như thế nào để có thể ly hôn nên đã dẫn con gái mình tới Chi nhánh nhờ tôi giúp đỡ.

Đến với Chi nhánh TGPL số 2 huyện Mường Chà, hai bố con chỉ mong mỏi sẽ được hướng dẫn làm các thủ tục ly hôn cũng như có người đứng ra bảo vệ quyền lợi của cô, giúp cô đòi được phần tài sản trong khối tài sản chung của hai vợ chồng và giành được quyền nuôi con bởi từ khi về nhà bố mẹ đẻ sống anh không hề cho chúng được gặp mẹ dù chỉ một lần.

Đối với mỗi con người trong số chúng ta, hôn nhân là chuyện hệ trọng cả đời trước khi bước vào một mối quan hệ mới đều cần phải suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ lưỡng. Nhưng đối với những người chưa đủ tuổi kết hôn và đặc biệt là đồng bào dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xã thì việc tiến đến hôn nhân với họ là một cái gì đó rất đơn giản mà không cần phải suy nghĩ nhiều. Khi họ có ý thích với một ai đó khác giới thì tính sở hữu thường chiếm lĩnh rất cao nên nạn tảo hôn vẫn thường diễn ra ở rất nhiều nơi, nhưng khi mẫu thuẫn hôn nhân xảy ra thì họ lại chưa đủ chín chắn để suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa dẫn đến sự hối hận tràn ngập trong tâm trí và chỉ muốn tìm cách giải thoát. Câu chuyện của cô gái trên không phải là hiếm, mà nó vẫn tiếp diễn thường xuyên ở rất nhiều nơi trên đất nước này. Chính vì vậy để không xảy ra những chuyện ngoài ý muốn thì trước mắt người dân cần nâng cao nhận thức của mình về vấn nạn tảo hôn cũng như quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn, đồng thời cần suy nghĩ thật kỹ trước khi bước vào một cuộc hôn nhân mới.

                                        Vũ Thị Hồng Minh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 2.382.400
      Online: 39