Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM

Nắng xuân trải vàng nơi địa đầu Tổ Quốc; hòa chung khí thế mừng Đảng, mừng xuân, các chàng trai, cô gái người Mông tại các bản làng yên bình huyện Mường Nhé cũng thi nhau diện những bộ trang phục sặc sỡ để vui xuân và tham gia vào những lễ hội truyền thống

Những ánh mắt, nụ cười các chàng trai cô gái tuổi đôi mươi tận hưởng niềm hạnh phúc tình yêu đôi lứa trong ngày xuân đất nước. Và tôi cũng miên man về với tuổi xuân của chính mình rồi bất chợt trong đầu tôi xuất hiện cảnh Clip bắt vợ có phần man rợ của người Mông lan truyền trên mạng xã hội Facebook gần đây: một đám thanh niên lôi kéo một thiếu nữ lên xe máy, mặc cho cô gái giãy dụa, cầu cứu. Tôi tự hỏi mình rằng số phận các cô gái tuổi đôi mươi kia khi nào bị bắt làm vợ? và trong số họ sẽ có bao nhiêu người bị các chàng trai “lợi dụng tục bắt vợ” để bắt ép làm vợ ngoài ý muốn, sống những chuỗi ngày đau khổ tụt cùng của nhân gian.

Là người dân tộc Mông, tôi hiểu về  tục “bắt vợ”. Nếu xét từ góc độ hôn nhân bền vững, thì “tục bắt vợ” của người Mông xuất phát từ quan điểm hôn nhân tiến bộ. Theo truyền thống người Mông, khi con trai đến tuổi kết hôn, có người yêu và muốn kết hôn, thì cha mẹ chuẩn bị một số thứ như: một cái ô vải đen ở giữa có buộc khăn, một đôi gà luộc chín và vài lít rượu ngô để mang đến nhà gái làm lễ dạm hỏi. Đồng thời mời một chú ruột có uy tín làm chủ hôn và một chàng rể trong gia đình làm phù rể cùng đến nhà người yêu của con trai hỏi vợ. Thông thường phải đến nhà gái ít nhất từ hai lần trở lên, thì cha mẹ mới đồng ý gả con gái cho chàng trai làm vợ. Đó là trường hợp “môn đăng hộ đối”. Rất nhiều trường hợp nhà gái cương quyết từ chối mối hôn sự của con gái chỉ vì có mâu thuẫn giữa hai gia đình hoặc không ưa nhà trai. Khi nhà gái từ chối nhưng đôi trẻ sống chết có nhau, thì nhà trai chọn ngày lành đón dâu, con trai sẽ hẹn với người yêu đợi nửa đêm cha mẹ ngủ say và cô gái lén mở cửa theo chàng trai về nhà làm vợ chồng. Về phía nhà trai bắt một con gà mái và mời một phụ nữ đang có chồng trong họ, có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc đến nhà chờ. Khi con trai dẫn người yêu về gọi cửa thì người phụ nữ ra mở và cầm gà đưa qua đầu hai đứa trẻ rồi quét sau lưng hàm ý xua đuổi những điều xui xẻo, sau đó chàng trai dẫn người yêu vào buồng đã chuẩn bị từ trước. Đợi trời sáng cha mẹ cử người đến nhà gái thông báo là con trai đã bắt con gái họ về làm vợ và không phải đi tìm. Về phía người con gái không được ra khỏi nhà trong ba ngày đề phòng cha mẹ đến đánh, bắt quay về. Đến ngày thứ ba, nhà trai chuẩn bị sính lễ, mời người đã được cử đến nhà gái thông báo làm chủ hôn, một phù rể cùng đôi vợ chồng trẻ đến nhà gái thịnh tội và tiến hành lễ ăn hỏi. Chính vì vậy, tục bắt vợ của người Mông xuất phát từ việc cha mẹ cấm đoán, ngăn cản con gái kết hôn với người mình yêu. Và ban đầu “tục bắt vợ”  không phổ biến, chỉ những trường hợp cha mẹ cô gái ngăn cấm nhưng do việc tổ chức đến nhà gái dạm hỏi gây tốn kém tiền của, lãng phí thời gian và phiền hà nên các cặp đôi thường lựa chọn hình thức bắt vợ. Thực chất “tục bắt vợ” của người Mông là hai bên nam, nữ đều đủ tuổi kết hôn, không vi phạm điều cấm của pháp luật và trước khi cô gái cùng người yêu về nhà làm vợ, chồng đều xin ý kiến cha mẹ đồng ý và sau đó thực hiện các nghi lễ cưới - hỏi. Với sự tiện lợi của hình thức “bắt vợ” trong cuộc sống nương rẫy "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" đã được cộng đồng người Mông chấp nhận qua nhiều thế hệ rồi trở thành nét đặc trưng riêng. Thế nhưng hiện nay, nhiều bậc cha mẹ dung túng cho con trai “lợi dụng tục bắt vợ” bắt ép người con gái mình thích về làm vợ và hậu quả là cô gái đó phải sống cùng nỗi đau tụt cùng về cả thể xác lẫn tinh thần.

Thiết nghĩ, muốn ngăn chặn được hủ tục, để các thiếu nữ xinh đẹp của người Mông thoát khỏi nanh vuốt của những con ác quỷ đội lốt người, thì chính quyền cơ sở cần phải làm tốt một số việc sau:

Thứ nhất, chính quyền cơ sở phải đẩy mạnh công tác truyền thông pháp luật hôn nhân và gia đình, một số điều của Bộ luật Hình sự hiện hành liên quan và pháp luật xử lý vi phạm hành chính tới các địa bàn dân cư.

Thứ hai, giao nhiệm vụ cho Trưởng bản, các già làng có uy tín giám sát, ngăn chặn kịp thời những ai có ý định lợi dụng tục bắt vợ. Còn những vụ việc đã xảy ra cần phải báo cáo kịp thời cho chính quyền xử lý nghiêm để răng đe.

Cá nhân tôi rất mong muốn cộng đồng dân tộc người Mông hãy nói “không” với việc “lợi dụng tục bắt vợ” và loại nó khỏi đời sống xã hội dân tộc mình./.

 

             Lý A Chía - Chi nhánh TGPL số 5 Trung tâm TGPL tỉnh Điện Biên


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 2.416.539
      Online: 5