Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM

Ngày 29/12/2023, Bộ Tư pháp có Văn bản số 6532/BTP-CN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực thi phương án phân cấp giải quyết TTHC theo Quyết định 1085/QĐ-TTg.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi là Quyết định số 1015/QĐ-TTg). Trong lĩnh vực nuôi con nuôi, Quyết định số 1015/QĐ-TTg nêu phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết từ Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh về Sở Tư pháp đối với nhóm các TTHC: (1) Giải quyết việc người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi (mã TTHC: 1.003160); (2) Đăng ký lại việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (mã TTHC: 1.003179); (3) Giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đối với trường hợp cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi (mã TTHC: 1.004878); (4) Giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đối với trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng (mã TTHC: 1.003976).

Để thực hiện phương án phân cấp đối với 04 TTHC nêu trên, Quyết định số 1015/QĐ-TTg kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 9 Luật Nuôi con nuôi với lộ trình thực hiện từ 2022 đến 2025. Bộ Tư pháp đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để tiến hành nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Luật Nuôi con nuôi, trong đó có khoản 2 Điều 9.

Qua đánh giá thực tế việc giải quyết 04 TTHC nêu trên theo quy định pháp luật hiện hành, hiện nay Sở Tư pháp đang thực hiện phần lớn các bước trong quy trình giải quyết của 04 TTHC nêu trên (từ việc tiếp nhận hồ sơ trẻ em, xác nhận trẻ em đủ điều kiện được cho làm con nuôi, giới thiệu trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài, đăng ký việc nuôi con nuôi và tổ chức giao nhận con nuôi…). Trong khi đó, UBND cấp tỉnh thực hiện bước cho ý kiến về việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài của Sở Tư pháp và ra Quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Do vậy, cho đến khi khoản 2 Điều 9 Luật Nuôi con nuôi được sửa đổi, bổ sung như kiến nghị thực thi tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg, cần có giải pháp trước mắt để bảo đảm đơn giản hóa, thuận lợi trong giải quyết 04 TTHC nêu trên, cũng như phù hợp với thực tế giải quyết các TTHC này. Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham khảo giải pháp như sau:

Căn cứ Điều 11, khoản 1 Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2019; Điều 3, điểm c khoản 1 Điều 4 và Điều 12 của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể xem xét, quyết định giao Sở Tư pháp thực hiện giải quyết TTHC đối với 04 TTHC nêu trên dưới hình thức ủy quyền. Việc ủy quyền cần phải được thể hiện bằng văn bản, trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể cũng như tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 14 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Ngoài ra, qua công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp thấy rằng, hiện nay một số UBND cấp tỉnh (Quảng Nam, Đà Nẵng) đã ban hành quyết định uỷ quyền cho Sở Tư pháp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có giải quyết một phần hoặc toàn bộ TTHC thuộc lĩnh vực nuôi con nuôi./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 2.440.639
      Online: 40