Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã ban hành và tổ chức các Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở và đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới năm 2024 tại 04 huyện: Mường Nhé, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Tuần Giáo.
Trên cơ sở phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện để tổ chức triển khai thực hiện, Hội nghị được diễn ra trong các ngày 06/11 tại huyện Mường Nhé; ngày 08/11 Điện Biên Đông, ngày 19/11 tại huyện Tủa Chùa và ngày 21/11 tại huyện Tuần Giáo. Tham dự Hội nghị tại 04 huyện với tổng số 472 đại biểu là đại diện công chức phòng Tư pháp cấp huyện; Lãnh đạo UBND xã, công chức Tư pháp - Hộ tịch và các công chức được giao nhiệm vụ thực hiện công tác đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Tuyên truyền viên, Hòa giải viên, Bí thư, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn/bản trên địa bàn các huyện.
Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị tại huyện Tủa Chùa
Với mục tiêu nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tại nội dung số 04 - Nội dung thành phần số 08 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mớigiai đoạn 2021-2025 kèm theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ gắn với chức năng nhiệm vụ của đơn vị góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên đến năm 2025. Phổ biến, nâng cao nhận thức về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho người dân ở cơ sở theo tinh thần Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với
xây dựng nông thôn mới. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật; hoà giải ở cơ sở và đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, tuyên truyền viên, hòa giải viên và Nhân dân trong thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tại các Hội nghị, các đại biểu đã được Báo cáo viên phổ biến về các nội dung cụ thể:Quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật; giới thiệu “Quy trình cơ bản phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp cơ sở”; triển khai Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030”; Hướng dẫn công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Giới thiệu nội dung Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030”; Kỹ năng thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng dành thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận; giải đáp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở.
Ảnh: Các đại biểu dự Hội nghị tại huyện Tuần Giáo
Đây là hoạt động thiết thực gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng như thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” góp phần nâng cao nhận thức pháp luật đến các tầng lớp Nhân dân, bồi dưỡng kiến thức thông tin nâng cao năng lực, khả năng tiếp cận thông tin cho cán bộ, công chức cấp xã, đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở và Nhân dân tại cơ sở từ đó góp phần ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên./.