Triển khai các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2025, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch số 102/KH-TGPL ngày 21/5/2025 về việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về trợ giúp pháp lý, kỹ năng phối hợp thông tin, giải thích, giới thiệu về trợ giúp pháp lý; kiến thức pháp luật về hình sự, hôn nhân và gia đình. Trên cơ sở nội dung thực hiện, Hội nghị có sự tham dự của gần 100 đại biểu thuộc bao gồm: công chức Tư pháp - hộ tịch Ủy ban nhân dân xã; Công an xã, cán bộ thôn/ bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ các chi hội, đoàn thể,... thuộc 02 Mường Lạn và Nặm Lịch thuộc huyện Mường Ảng.
(Toàn cảnh Hội nghị)
Khai mạc Hội nghị, đại diện Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên giới thiệu cụ thể về Hội nghị tập huấn; giới thiệu về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Nhấn mạnh về ý nghĩa của Hội nghị tập huấn là hoạt động thiết thực để có thể tuyên truyền, giới thiệu cụ thể về chính sách trợ giúp pháp lý, các điểm mới trong quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý; giới thiệu các quy định pháp luật gắn với cơ sở. Hội nghị là hoạt động thiết thực góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần giảm nghèo về pháp luật, phát triển cuộc sống của người dân.
Tại Hội nghị các Báo cáo viên thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên truyền tải các kiến thức pháp luật về trợ giúp pháp lý; các quy định pháp luật theo quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình. Qua việc giới thiệu, hướng dẫn của các Báo cáo viên, các quy định pháp luật đã được cụ thể hóa thông qua các dẫn chứng, trường hợp minh họa để đại biểu tham dự hiểu rõ hơn về quy định pháp luật và có thể ứng dụng để giải quyết các tình huống xảy ra trong thực tế.
Bên cạnh đó, Hội nghị nhấn mạnh trách nhiệm, cách thức phối hợp giải thích, thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý của Phòng Tư pháp huyện, Ủy ban nhân dân xã trong công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý theo Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ Tư pháp về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Qua đó, Hội nghị hướng dẫn các đại biểu cách thức phát hiện nhu cầu và giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý; thông tin, giới thiệu nhu cầu trợ giúp pháp lý tại thôn/bản đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để đảm bảo quyền được tiếp cận pháp luật của người dân nơi mình sinh sống và gắn bó.
Tại Hội nghị, các đại biểu sôi nổi trao đổi, chia sẻ về các tình huống xảy ra tại cơ sở khi các đại biểu là cán bộ nòng cốt tại thôn/bản. Các đại biểu cùng chia sẻ những kinh nghiệm thực tế để giải quyết các tình huống, vướng mắc của người dân. Bên cạnh đó, các đại biểu cùng thảo luận đưa ra những cách làm hay, sự tiếp cận với người dân theo từng vùng, từng đặc điểm của các khu vực khác nhau. Để qua đó, Hội nghị sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm và đưa ra những đề xuất đối với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để có phương án triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý phù hợp tại cơ sở. Tuy các vướng mắc của người dân là những câu hỏi đơn giản nhưng qua các kinh nghiệm tại địa phương của đại biểu đã là những kinh nghiệm quý báu để cùng trao đổi, ghi nhận từ những người dân khi các đại biểu là những cán bộ nòng cốt tại cơ sở. Tại Hội nghị đã ghi nhận những đại biểu đã phát huy được vai trò là những cầu nối đưa những yêu cầu trợ giúp pháp lý của người dân đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khi tại cơ sở tiếp nhận các vướng mắc.
(Đại biểu chia sẻ cách thức hướng dẫn người dân đến tổ chức trợ giúp pháp lý)
Hội nghị tập huấn đã thực sự là một hoạt động ý nghĩa, không chỉ là phương pháp truyền thống chỉ từ một hướng truyền tải của Báo cáo viên mà lồng ghép vào nội dung là sự tương tác, vận dụng hiệu quả các quy định pháp luật để giải quyết tình huống thực tế tại địa phương. Qua các Hội nghị tập huấn, có thể thấy, đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, đảm bảo cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng dịch vụ pháp lý có chất lượng; góp phần nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, kiến thức pháp luật và kỹ năng kiến thức chuyên môn, kỹ năng trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý và quy trình tiếp cận, giới thiệu nhu cầu trợ giúp pháp lý; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý, đảm bảo công bằng tiếp cận công lý của nhân dân trên địa bàn tỉnh.