Thứ nhất: Không yêu cầu người bán ủy nhiệm lập hóa đơn là bên có quan hệ liên kết
Tại điểm a khoản 1 Điều 4 quy định từ ngày 01/6/2025, Bộ Tài chính đã không còn quy định người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải là “là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác” đồng thời cũng không yêu cầu bên thứ ba là bên có quan hệ liên kết với người bán (bên nhận ủy nhiệm).
Thay vào đó là điều kiện chung: Chỉ cần bên nhận ủy nhiệm đủ điều kiện sử dụng hoá đơn điện tử và không thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử theo Điều 16 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định số 70/2025/NĐ-CP) để lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ. Việc thay đổi quy định này so với Thông tư số 78/2021/TT-BTC mang ý nghĩa mở rộng đối tượng có thể nhận ủy nhiệm xuất hóa đơn điện tử; từ đó giúp người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ linh hoạt hơn trong việc lựa chọn đối tác lập hóa đơn điện tử mà không bị giới hạn bởi các mối quan hệ liên kết.
Thứ hai: Bổ sung quy định về nội dung bắt buộc trên hợp đồng/thỏa thuận ủy nhiệm
Tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 32/2025/TT-BTC quy định chi tiết hợp đồng/thỏa thuận ủy nhiệm phải bao gồm các nội dung sau: Thông tin tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân, chứng thư số của cả bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm; thông tin về hoá đơn điện tử ủy nhiệm (loại, ký hiệu, mẫu số); mục đích, thời hạn, phương thức thanh toán, và trách nhiệm thanh toán tiền hàng/dịch vụ; trách nhiệm lưu trữ và xuất trình văn bản khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Trong khi đó, trước đây tại Thông tư số 78/2021/TT-BTC chỉ yêu cầu hợp đồng/thỏa thuận ủy nhiệm phải được lập bằng văn bản, nhưng không quy định cụ thể các nội dung bắt buộc phải có trong văn bản này.
Thứ ba: Bổ sung quy định về trách nhiệm của các nền tảng thương mại điện tử khi nhận được ủy quyền từ người bán
Tại điểm c, khoản 3, Điều 4 Thông tư 32/2025/TT-BTC quy định rõ “Trường hợp người bán hàng hóa, dịch vụ là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ủy nhiệm cho tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ thì tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử thực hiện thông báo với cơ quan thuế.” Trước đây, không đề cập đến trách nhiệm của các tổ chức đặc thù như tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử trong việc nhận ủy nhiệm lập hóa đơn.
Thứ tư: Bổ sung việc lập hóa đơn điện tử cho các trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ số lượng lớn, phát sinh thường xuyên
Tại khoản 1, Điều 6 Thông tư 32/2025 đã sửa đổi, bổ sung so với Thông tư 78/2021, quy định về việc lập hóa đơn điện tử đối với các trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp (bên bán hàng hóa) với khách hàng/đối tác. Quy định này cho phép các doanh nghiệp trong một số trường hợp đặc thù được lập hóa đơn điện tử sau khi hoàn thành đối soát số liệu thay vì lập ngay tại thời điểm cung cấp hàng hóa/dịch vụ. Các trường hợp áp dụng bao gồm:
- Sản phẩm phái sinh: Theo quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng, chứng khoán, thương mại, và thuế giá trị gia tăng (GTGT).
- Dịch vụ suất ăn công nghiệp: Ví dụ, cung cấp suất ăn cho nhà máy, trường học, bệnh viện.
- Dịch vụ của sở giao dịch hàng hóa: Giao dịch hàng hóa trên sàn giao dịch (như nông sản, kim loại).
- Dịch vụ thông tin tín dụng: Cung cấp báo cáo tín dụng, thông tin tài chính.
- Dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi (áp dụng cho khách hàng là các doanh nghiệp, tổ chức).
Thứ năm: Bổ sung quy định nội dung hóa đơn giá trị gia tăng kiêm tờ khai hoàn thuế
Tại Điều 7 Thông tư số 32/2025/TT-BTC quy định nội dung hóa đơn giá trị gia tăng kiêm tờ khai hoàn thuế này sẽ gồm 03 phần:
- Phần A dành cho doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế lập khi bán hàng hóa, gồm các nội dung:
+ Tên hóa đơn: HÓA ĐƠN KIÊM TỜ KHAI HOÀN THUẾ;
+ Ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn;
+ Thông tin về doanh nghiệp bán gồm: Tên, địa chỉ, mã số thuế;
+ Thông tin về khách hàng gồm: Họ tên, quốc tịch, thông tin về số, ngày cấp, ngày hết hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập xuất cảnh;
+ Thông tin về hàng hóa gồm: Tên hàng hóa, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng.
Tên hàng hóa ghi rõ: nhãn hiệu, ký hiệu hàng hóa (số seri, model (nếu có), xuất xứ hàng hóa áp dụng đối với hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu, số máy áp dụng đối với mặt hàng cơ khí điện tử.
+ Chữ ký số người bán, chữ ký của người mua trên bản hiển thị của hóa đơn điện tử;
+ Hình thức thanh toán: ghi rõ số tiền thanh toán theo từng hình thức thanh toán: bằng tiền mặt hoặc thẻ quốc tế (ghi rõ tên thẻ, số thẻ).
- Phần B dành cho cơ quan hải quan lập để ghi kết quả kiểm tra, tính số thuế GTGT người nước ngoài được hoàn, gồm các nội dung: Số thứ tự hàng hóa; tên hàng; số lượng; số tiền thuế GTGT ghi trên hóa đơn và được hoàn; thời điểm kiểm tra (ghi rõ ngày, tháng, năm); tên, chữ ký của công chức hải quan kiểm tra.
- Phần C dành cho Ngân hàng thương mại là đại lý hoàn thuế lập, gồm các nội dung:
+ Số hiệu, ngày tháng chuyến bay/chuyến tàu của người nước ngoài xuất cảnh;
+ Số tiền thuế hoàn cho người nước ngoài xuất cảnh;
+ Hình thức thanh toán: ghi rõ số tiền thanh toán theo từng hình thức thức thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ quốc tế (ghi rõ tên thé, số thẻ);
+ Thời điểm thanh toán: ghi rõ ngày, tháng, năm.
Thứ sáu: Bổ sung tiêu chí xác định rủi ro về thuế cao trong đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử
Tại Điều 9 Thông tư số 32/2025/TT-BTC quy định có 05 tiêu chí xác định rủi ro cao về thuế trong đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử gồm:
- Tiêu chí 1: Người nộp thuế có chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân có kết luận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có hành vi gian lận, mua bán hóa đơn trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế.
- Tiêu chí 2: Người nộp thuế có chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân thuộc danh sách có giao dịch đáng ngờ, theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.
- Tiêu chí 3: Người nộp thuế đăng ký địa chỉ trụ sở chính không có địa chỉ cụ thể theo địa giới hành chính hoặc đặt tại chung cư (không bao gồm chung cư được phép sử dụng cho mục đích kinh doanh theo quy định của pháp luật); hoặc địa điểm kinh doanh ngoài phạm vi cấp tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính/chi nhánh.
- Tiêu chí 4: Người nộp thuế có người đại diện theo pháp luật hoặc chủ sở hữu đồng thời là người đại diện theo pháp luật hoặc chủ sở hữu của người nộp thuế ở trạng thái “Người nộp thuế ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt mã số thuế” hoặc ở trạng thái “Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”, người nộp thuế có hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn, chứng từ theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Tiêu chí 5: Người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro khác do cơ quan thuế xác định và có thông báo cho người nộp thuế được biết và giải trình.
Thứ bảy: Quy định phải chuyển sang chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử
Tại khoản 2 Điều 12 Thông tư số 32/2025/TT-BTC quy định thì từ ngày 01/6/2025, tổ chức khấu trừ thuế TNCN phải ngừng sử dụng chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử đã thực hiện trước đây và chuyển sang hình thức chứng từ khấu trừ TNCN điện tử theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP.
Thứ tám: Quy định hướng dẫn về đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử máy tính tiền
Tại khoản 5 Điều 12 Thông tư 32/2025/TT-BTC quy định: Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng thuộc đối tượng quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 70/2025/NĐ-CP đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử với cơ quan thuế nhưng chưa đảm bảo là hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc dữ liệu điện tử (bao gồm các thông tin tên, địa chỉ, mã số thuế người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế/số định danh cá nhân/số điện thoại của người mua (nếu người mua yêu cầu); tên hàng hóa, dịch vụ, đơn giá, số lượng, giá thanh toán (giá bán chưa thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán có thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ); thời điểm lập hóa đơn và theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 70/2025/NĐ-CP) thì đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo quy định.
Như vậy, với những nhiều điểm mới, quan trọng củaThông tư số 32/2025/TT-BTC liên quan đến quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử,đặc biệt là các quy định về ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử, mẫu số hóa đơn điện tử, xử lý hóa đơn sai sót…đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý hóa đơn, chứng từ điện tử, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và đảm bảo yêu cầu chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý./.
Phogf PBGD&TDTHPL