1. Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Nghị định số 93/2025/NĐ-CP quy định rõ hơn về thẩm quyền kiểm tra của các cấp lãnh đạo, từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND các cấp đến các thủ trưởng cơ quan có hệ thống tổ chức theo ngành dọc. Theo đó tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 93/2025/NĐ-CP sửa đổi thẩm quyền kiểm tra xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như sau:
(1) Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.
(2) Bộ trưởng kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi được giao tổ chức thực hiện.
(3) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa bàn quản lý, trừ các cơ quan được tổ chức theo hệ thống dọc đóng trên địa bàn.
(4) Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của cơ quan, đơn vị cấp dưới của mình.
(5) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo hệ thống dọc quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, gồm: Công an nhân dân; Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Thuế; Cơ quan quản lý thi hành án dân sự; Kho bạc Nhà nước; Ngân hàng Nhà nước; Hệ thống tổ chức thống kê tập trung; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan, đơn vị khác thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo hệ thống dọc theo quy định của pháp luật kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với cơ quan, đơn vị cấp dưới của mình.
(6) Đối với vụ việc có tính chất phức tạp, mang tính liên ngành, trong phạm vi toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cơ quan có trách nhiệm chủ trì thực hiện việc kiểm tra.
2. Sửa đổi quy định về số lượng, thành phần thành viên đoàn kiểm tra
Theo quy định tại khoản 2, Điều 8 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, đoàn kiểm tra phải có từ 05 thành viên trở lên, để phù hợp với thực tiễn, Nghị định số 93/2025/NĐ-CP đã sửa đổi và quy định chung về thành phần đoàn kiểm tra thay vì quy định cụ thể số lượng các thành viên đoàn kiểm tra như trong Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
Nghị định số 93/2025/NĐ-CP cũng không quy định “cứng” đoàn kiểm tra phải có Phó trưởng đoàn mà quy định theo hướng linh hoạt thành phần đoàn kiểm tra gồm Phó trưởng đoàn (nếu cần thiết).Thành phần, số lượng thành viên đoàn kiểm tra do người ban hành quyết định kiểm tra quyết định để phù họp với tình hình thực tế.
3. Sửa đổi quy định về thời hạn kiểm tra và bổ sung quy định làm rõ thời hạn kiểm tra
Theo khoản 3, Điều 13 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, thời hạn kiểm tra quy định là 07 ngày làm việc; để phù hợp với thực tế Nghị định số 93/2025/NĐ-CP đã sửa đổi theo hướng thời hạn kiểm tra “không quá 15 ngày” tăng thêm 08 ngày so quy định hiện hành; trong trường hợp cần thiết thì người có thẩm quyền kiểm tra có thể gia hạn thêm “không quá 10 ngày” như vậy thời gian gia hạn tăng thêm 03 ngày so quy định hiện hành. Nghị định số 93/2025/NĐ-CP cũng quy định rõ “Thời hạn kiểm tra là khoảng thời gian đoàn kiểm tra làm việc trực tiếp với đối tượng được kiểm tra.”. Quy định giúp việc áp dụng trong thực tiễn được thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra vì đoàn kiểm tra có thời gian nghiên cứu chuyên sâu hồ sơ.
4. Sửa đổi, bổ sung quy định về việc ban hành kết luận kiểm tra
Nghị định số 93/2025/NĐ-CP sửa đổi bổ sung các quy định của khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 15 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP theo hướng tăng thời gian cho người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra, dự thảo kết luận kiểm tra; tăng thời gian cho đối tượng kiểm tra có ý kiến đối với dự thảo kết luận kiểm tra để bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cụ thể như sau:
- Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc hoạt động kiểm tra, đoàn kiểm tra dự thảo kết luận kiểm tra và gửi cho đối tượng được kiểm tra thì Nghị định số 93/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng tăng thời hạn đoàn kiểm tra dự thảo kết luận kiểm tra lên 01 tháng. Đồng thời, bổ sung trường hợp cần thiết thì có thể kéo dài để xử lý đối với một số cuộc kiểm tra có tính chất phức tạp, phạm vi rộng hoặc những trường hợp phát sinh từ yếu tố khách quan, người có thẩm quyền có thể gia hạn thêm không quá 02 tháng (điểm a khoản 7 Điều 1 Nghị định số 93/2025/NĐ-CP).
- Tăng thời hạn để cơ quan, đơn vị được kiểm tra gửi lại đoàn kiểm tra ý kiến bằng văn bản đối với các nội dung trong dự thảo kết luận kiểm tra từ 05 ngày lên 15 ngày. Đồng thời, bổ sung trường hợp dự thảo kết luận kiểm tra phức tạp, có phạm vi rộng thì có thể kéo dài thêm nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận kiểm tra.
- Tăng thời hạn ban hành kết luận cho người có thẩm quyền kiểm tra lên không quá 01 tháng, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của cơ quan, đơn vị được kiểm tra đối với các nội dung trong dự thảo kết luận kiểm tra
5. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP)
- Thứ nhất, bổ sung các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính:
- Bổ sung các hành vi: (i) “Không lập biên bản vi phạm hành chính khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định pháp luật”; (ii) “Lập biên bản vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền, không đúng hành vi vi phạm hành chính, không đúng đối tượng vi phạm hành chính”; (iii) “Vi phạm thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính” (tại các khoản 5, 6 và 7 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2025/NĐ-CP) để phù hợp với các quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Bổ sung hành vi “Vi phạm thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính” tại khoản 7 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2025/NĐ-CP) để phù hợp với khoản 2 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo quy định này “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức liên quan nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
- Bổ sung hành vi “Xác định không đúng hành vi vi phạm khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính…” (tại khoản 10 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2025/NĐ-CP) để phù hợp với quy định của khoản 6 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Bổ sung hành vi “Không sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính hoặc không kịp thời sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện có sai sót, vi phạm” (tại khoản 12 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2025/NĐ-CP) để thống nhất với các quy định về trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính tại các điều 13, 14 và 15 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 68/2025/NĐ-CP).
- Bổ sung hành vi “Không cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” tại khoản 15 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2025/NĐ-CP) để bảo đảm tính đầy đủ.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm tại các khoản 8, 9, 13, 18 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 93/2025/NĐ-CP) để bảo đảm phù hợp với Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính về các hành vi bị nghiêm cấm; đồng thời, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng tại Quy định số 131- QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Thứ ba,bãi bỏ hành vi “Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính; về thẩm quyền, thủ tục, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính” (trước đây được quy định tại khoản 17 Điều 22 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP) do khoản 6 Điều 15 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP đã có quy định về vấn đề này.
6. Sửa đổi, bổ sung nội dung về nguyên tắc áp dụng quy định về xử lý kỷ luật (Điều 23 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP)
Nghị định số 93/2025/NĐ-CP sửa đổi Điều 23 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP theo hướng viện dẫnviệc áp dụng quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện (hiện nay là Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức) để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
7. Về hình thức kỷ luật
Nghị định đã bổ sung thêm hình thức kỷ luật “bãi nhiệm” đối với cán bộ vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp ((1) Vi phạm quy định tại các khoản 1, 3, 6, 7, 9, 10, 13, 14, 15, 18 và 20 Điều 22 của Nghị định số 93/2025/NĐ-CP này; (2) Không kịp thời sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện có sai sót, vi phạm; (3) Thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Với những nội dung sửa đổi, bổ sung, Nghị định đã kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, góp phần bảo đảm sự phù hợp, thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra và xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, tạo cơ chế kiểm soát, giám sát hợp lý nhưng không tạo thêm áp lực cho đội ngũ công chức, cán bộ thực thi công vụ./.