Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM

Hôn nhân là sự gắn kết giữa hai người khác giới trên cơ sở tình yêu và sự tự nguyện. Là sự khởi đầu cho một gia đình để tôn trọng, yêu thương nhau, cùng xây dựng kinh tế gia đình hạnh phúc và nuôi dạy con cái thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những gia đình được duy trì bằng sự chấp nhận, cam chịu bạo lực từ người tay gối má kề và không hiếm trường hợp do kém hiểu biết pháp luật mà cam chịu số phận trong lo sợ. Điển hình là câu chuyện của chị Quàng Thị H có hộ khẩu thường trú tại trung tâm huyện Mường Nhé.

Ảnh minh họa: Người dân đến yêu cầu tư vấn trợ giúp pháp lý tại Chi nhánh TGPL số 5 huyện Mường Nhé

Dưới tiết trời oi bức một ngày của tháng 5 năm 2021, chị H bẽn lẽn trước cửa trụ sở Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 5. Thấy thái độ chị H e dè, ngại ngùng, tôi ra hỏi chị tìm gặp ai và có vấn đề gì cần giúp đỡ. Có lẽ sự chịu đựng của chị H đã vượt quá giới hạn và câu hỏi của tôi là giọt nước tràn ly nên chị H nấc lên từng hồi và nói trong nước mắt rằng: “Em khổ quá anh ơi!” . Mặc dù lần đầu gặp chị H và không biết chị đang có vấn đề gì nhưng thấy dáng người xiêu vẹo khuôn mặt xanh xao với những giọt nước mắt ngắn dài lăn trên má khiến tôi cảm thấy cảm thông, sẻ chia. Tôi mời chị vào phòng làm việc và rót mời chị chén nước chè, động viên chị bình tĩnh trình bày để chi nhánh xem xét giúp đỡ. Thế nhưng chị H vẫn nấc lên từng hồi và nghẹn không nói nên lời, tôi phải chia sẻ, động viên khá lâu, rồi chị H gạt nước mắt và nói rằng: “Em quê ở xã Ẳng Tở, huyện Mường Ẳng và chồng em người xã Hua Thanh, huyện Điện Biên. Em bị góa, năm 2006 chồng ly hôn và chúng em kết hôn năm 2007. Chồng công tác tại trạm y tế xã M của huyện Mường Nhé, còn em học hết lớp 5 ở nhà làm công việc nội trợ. Khi mới kết hôn vợ chồng ở với bố mẹ chồng tại xã Hua Thanh. Cuối năm 2007, nhà nước cấp cho vợ chồng 400m2 đất ở tại trung tâm huyện Mường Nhé và sau khi dựng nhà thì em đưa các con lên với chồng, còn cha mẹ chồng ở với con trai út. Trước đây, dù chồng công tác xa thỉnh thoảng mới về nhưng cuộc sống vợ chồng khá hạnh phúc. Nhưng từ khi chuyển lên Mường Nhé, mỗi khi uống rượu say chồng đều chửi rủa, đuổi em ra khỏi nhà và ném hết đồ dùng cá nhân của em ra ngoài rồi đóng cửa lại. Lúc đầu, khi say rượu chồng mới làm vậy nhưng mấy năm gần đây cứ cuối tuần về chồng lại đánh, chửi, ném đồ của em ra ngoài thường xuyên và mỗi sáng thứ hai trước khi đi làm chồng nói: nếu cuối tuần về mày chưa đi thì tao giết. Em rất sợ nhưng nghĩ số mình không may mắn bị góa một lần và cứ vậy chịu đựng không than phiền với bất cứ ai dù nhiều lần chi hội phụ nữ ở khu dân cư đến nhà khuyên chồng và thậm chí Tổ Trưởng tổ dân cư báo Công an xã xuống làm việc và chồng hứa sẽ rút kinh nghiệm nhưng sau đó lại làm căng hơn trước. Đầu tháng 4 năm 2021, chồng đi họp trên tỉnh bị tai biến liệt giường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, em xuống chăm sóc chồng mới về hôm qua. Trước khi về, em trai chồng bắt mang bàn thờ tổ tiên lên thờ tại nhà vợ chồng và nói rằng 400m2 đất ở của vợ chồng tại Mường Nhé là đất thờ tổ tiên. Hiện tại bệnh tình chồng rất nặng, em lo sợ nếu chẳng may chồng chết thì mẹ con em sẽ sống ra sao và xin anh cho biết em phải làm như thế nào?”

Quá trình nắm thông tin sự việc, chị H cho biết thêm trong một lần say rượu chồng đã lấy Giấy chứng nhận kết hôn của vợ chồng ra đốt cháy hết nhưng thửa đất ở 400m2 tại trung tâm huyện Mường Nhé đã được UBND huyện Mường Nhé cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hai vợ chồng. Vợ chồng có một con chung đang học lớp 8, chồng có hai con riêng và chị H có một con riêng. Sau khi xem xét, đối chiếu Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự hiện hành, tôi khuyên chị H không nên lo lắng quá và an tâm về chăm sóc chồng con. Tài sản của vợ chồng do vợ chồng quản lý sử dụng và định đoạt. Riêng 400m2 đất ở tại trung tâm huyện Mường Nhé do nhà nước cấp mang tên vợ chồng là đất ở, không phải đất thờ cúng. Và sau khi nghe xong lời khuyên chị H nói thêm rằng: “Khi chưa đến đây em rất lo sợ. Nhiều người nói với em rằng nếu chồng chết thì mẹ con em sẽ bị đuổi ra khỏi nhà. Vì nhà của vợ chồng là nhà thờ tổ tiên không được phép ở lại và phải do bố mẹ chồng quản lý. Thế nhưng nghe anh nói vậy em đã không còn lo lắng gì nữa và nếu sau này chồng em có mệnh hệ gì thì việc tài sản có vấn đề gì em biết đến nhờ trợ giúp pháp lý giúp đỡ”.

Kết thúc buổi tư vấn, chị H nở nụ cười xin phép ra về, tôi tiễn chị ra cửa, nhìn bóng dáng xiêu vẹo của chị dưới tiết trời hanh khô như thiêu như đốt. Bất chợt những cơn gió Lào nơi biên cương thoảng qua làm héo úa nụ hồng trước cửa và trong tôi xuất hiện ý nghĩ rằng nếu mình là chị H thì sẽ sống ra sao trong những tháng ngày còn lại. Nếu may mắn chồng bình phục nhưng với thói quen bạo hành đó cuộc sống khác nào địa ngục. Mà nếu chẳng may chồng mất đi thì nhất định em, bố mẹ và các con riêng của chồng sẽ tranh chấp tài sản đến chó gà không yên. Với trách nhiệm đồng hành cùng người được trợ giúp pháp lý, Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 5 xác định chị H thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí và sẽ tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý khi chị có yêu cầu để chị không phải mang phận “nữ nhi” không có tiếng nói trong gia đình, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho chị./.

                                                                               Lý A Chía

                                                                       Chi nhánh TGPL số 5

                                                              Trung tâm TGPL tỉnh Điện Biên


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 2.381.611
      Online: 21