Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM

 “Tuổi thơ" - hai từ này có sức mạnh ghê gớm, Nó chứa đựng những kỷ niệm, những ký ức không bao giờ quên được trong mỗi một con người. Tôi đã từng là một cô bé nghịch ngợm, đã từng là một cô bé lí lắc sẵn sàng bật khóc trước một chú chó con đi lạc, đã từng là một cô bé hồn nhiên, tung tăng bên ba mẹ, khám phá vạn vật của thế giới này. Bầu trời thật xanh, con đường thật rộng, lũ trẻ cùng ngõ thật vui. Đã có những lúc chỉ đợi mỗi dịp tụ tập ở nhà ông bà là mấy anh chị em lại thi nhau chơi trốn tìm, chạy xung quanh làng xóm, trèo cây,… Tuổi thơ của tôi như một ống kính vạn hoa, Tôi gọi đó là tháng năm rực rỡ, thanh xuân đẹp đẽ .

Nhưng tuổi thơ của vài người khác lại bao phủ trong màu xám, đen và trắng, bị nhấn chìm trong nỗi cô đơn và cô liêu. Đó là những đứa trẻ khuyết tật, tuổi thơ của các em phải nghĩ nhiều hơn thế, với những đặc điểm không hoàn hảo trên cơ thể mình trẻ khuyết tật từng ngày phải gồng mình lên để chống chọi với bệnh tật, với con mắt kì thị của xã hội, của mọi người. Tôi đã gặp những đứa trẻ khuyết tật đa số khi được hỏi, các em chỉ nói “ Nếu tuổi thơ có màu thì chỉ có thể là màu xám mà thôi” , “ Em không có tuổi thơ!”. Mỗi lần nghĩ đến đây là tôi chẳng thể ngủ được chỉ biết thở dài, tôi thở dài khi nghĩ đến chuyện đã qua, tôi thở dài khi nghĩ đến chuyện đang làm và tôi thở dài khi nghĩ đến chuyện đang tới. Tôi thở dài khi nghĩ đến bản thân chẳng thể giúp đỡ được các em nhiều hơn.

Khi đại dịch Covid-19 ập đến, người khuyết tật (NKT) là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Những thách thức mà người khuyết tật nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng phải đối mặt về vấn đề việc làm và kinh tế, càng trở nên trầm trọng hơn trong giai đoạn Covid-19, nhiều người khuyết tật đã mất việc hoặc thu nhập bị giảm đáng kể. Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 2, huyện Mường Chà đã gặp được hai bà cháu đến Chi nhánh với mong muốn được giúp đỡ. Theo lời kể của bà Sùng  A D, ở bản San Súi, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên “ Bà rất khổ tâm, vất vả khi cháu ngoại của mình không như bao đứa trẻ bình thường khác. Từ lúc mới sinh ra, khoảng 1 tháng sau đó cháu bị bại não. Trong mười một năm qua, mọi sinh hoạt của cháu đều được người thân chăm sóc. Cháu không tự chăm sóc bản thân mình được”. Bà D chia sẻ: Gia đình rất lo lắng về bệnh tình của cháu tôi và cũng do dịch bệnh covid- 19 mà bà đã không thể có đủ thu nhập. Việc chăm sóc cháu ngoại xưa đã khó nay lại càng khó khăn hơn. Bà mong muốn được nhà nước có thể trợ cấp về tài chính để bà có thể chăm sóc cháu tốt hơn. Nhìn cháu bé được bà D đang ôm trong lòng nụ cười hồn nhiên của cháu làm tim tôi như quặn lại. Dẫu biết rằng cuộc sống vốn không công bằng, nhưng sao khi nhìn cách cháu cười vẫn làm tôi nhói lòng đến thế. Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 2 đã hướng dẫn bà các thủ tục theo quy định của pháp luật để bà D và cháu có thể được hưởng trợ cấp về tài chính và đến nay vẫn tiếp tục hỗ trợ pháp lý khi cháu bé cần.

Hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc quan tâm đến đời sống, việc làm của người khuyết tật lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Người khuyết tật cần được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước cũng như sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ từ xã hội. Cùng với đó, cần tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho NKT và tăng cường công tác truyền thông để người dân và cơ quan, tổ chức hiểu được quyền của NKT trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho NKT có khó khăn về tài chính là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với NKT. Vừa qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Điện Biên và các Chi nhánh trợ giúp pháp lý của Trung tâm đặt tại các huyện cũng đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan đẩy mạnh thông tin, phổ biến về các chính sách ưu đãi đối với NKT trong đó có trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật khó khăn về tài chính trên các phương tiện truyền thông, phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật… và qua các cấp hội, đoàn thể ở địa phương.

Tôi luôn tâm niệm rằng “Hãy có lòng nhân ái, bởi vì bất kỳ ai bạn gặp đều đang chiến đấu gian khổ hơn bạn (Plato)”. Người khuyết tật nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng rất cần sự hỗ trợ từ cộng đồng. Hãy quan sát, lắng nghe nhiều hơn và giúp đỡ, dù một hành động nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn. Hãy chung tay cùng chia sẻ niềm yêu thương đến với các em nhỏ khuyết tật, góp phần vẽ nên nụ cười rạng rỡ, khuyến khích các em vượt các cơn đau bệnh tật, vững tin vào tương lai tươi sáng hơn./.

                                                   Nguyễn Lan

Chi nhánh TGPL số 2, huyện Mường Chà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 2.431.887
      Online: 52