Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM

Tiếp tục chương trình xây dựng luật, trong tuần làm việc thứ 2 kỳ họp thứ ba của quốc hội, nổi bật là các ý kiến thảo luận về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Góp phần xây dựng Nhà nước văn minh
Sáng ngày 31-5, tại phòng họp Diên Hồng, một lần nữa vấn đề ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu án oan sai và trách nhiệm bồi thường lại làm nóng nghị trường Quốc hội. Theo đó, dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận, cho ý kiến từ kỳ họp trước. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra phối hợp Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các ĐBQH và các chuyên gia, nhà khoa học. Tuy nhiên, cho đến phiên họp này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về một số điều khoản, quy định trong dự án luật.
Có thể thấy, thời gian qua dư luận đã rất bức xúc bởi nhiều vụ án oan sai được phanh phui. Cùng đó, công tác giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai còn nhiều bất cập. Ngay trước thềm kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV lần này, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, các ĐBQH cũng nhận được không ít kiến nghị liên quan trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Dẫn chứng cho việc cần thiết phải sớm hoàn chỉnh dự án luật, nhiều ĐBQH đã nêu hàng loạt bất cập từ việc xử lý bồi thường, tổ chức xin lỗi công khai các vụ án oan sai.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày có nêu: “Có ý kiến đề nghị, đối với thiệt hại về tinh thần quy định tại Điều 27 thì Nhà nước bồi thường, đồng thời tiến hành cải chính, xin lỗi công khai người bị oan mà không cần có yêu cầu của họ”. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người bị oan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan bổ sung quy định: “khi thụ lý hồ sơ, trường hợp trong văn bản yêu cầu bồi thường không có yêu cầu phục hồi danh dự thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm làm rõ người bị thiệt hại có yêu cầu phục hồi danh dự hay không” tại điểm a khoản 2 Điều 42 của dự thảo Luật.
Thảo luận về điều khoản này, một số ĐBQH bày tỏ quan điểm không đồng tình, bởi “theo phép lịch sự, người có lỗi phải chủ động xin lỗi”. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Cạn) đề nghị, phải có quy định rõ về hình thức tổ chức xin lỗi công khai. Trong mọi trường hợp, khâu nào làm sai khâu đó phải chịu trách nhiệm. Đồng tình với ý kiến này, có đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm quy định về việc xin lỗi công khai phải triệu tập người có lỗi, người làm sai đến đọc lời xin lỗi.
Làm rõ trách nhiệm bồi thường
Về xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự (tại các Điều 34, 35 và 36), đa số ý kiến thống nhất với quy định xác định cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo Luật theo nguyên tắc chung là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng chịu trách nhiệm bồi thường. Có ý kiến đề nghị xác định trách nhiệm liên đới bồi thường giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong hoạt động tố tụng hình sự, các trường hợp gây oan cho công dân thường liên quan đến trách nhiệm của nhiều người thi hành công vụ trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Để giải quyết bồi thường cho người bị oan, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội đều thống nhất nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường.
Tuy nhiên, trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi” khó xác định một cách rành mạch cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng. Tại hội trường, việc xác định “điểm rơi” này đã khiến các đại biểu có những ý kiến tranh luận, người bảo khó, người bảo dễ. Căn nguyên cũng bởi chưa có những quy định, hướng dẫn cụ thể trong luật.
Một điểm nữa trong dự thảo Luật cũng nhận được nhiều ý kiến là quy định về bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự (khoản 4 Điều 27).
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự kể cả trong trường hợp người đó còn sống, bởi vì trên thực tế, người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần mà không phụ thuộc vào việc người bị oan còn sống hay đã chết.
Theo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lý giải: Khoản 4 Điều 27 của dự thảo Luật quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết. Quy định như vậy là kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước… Mặt khác, vấn đề này chưa được tổng kết, đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan.
Việc xác định mức độ thiệt hại cũng rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn trên thực tế. Đại biểu Lý Tiết Hạnh (tỉnh Bình Định) nêu đơn cử cụm từ “mối quan hệ nhân - quả”. Theo đại biểu, quy định này nếu không rõ ràng sẽ gây khó khăn cho người bị thiệt hại, trong việc chứng minh mối quan hệ nhân-quả giữa thiệt hại thực tế và các hành vi gây thiệt hại.
Kinh phí bồi thường cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều ĐBQH. Đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về cơ quan lập dự toán kinh phí bồi thường là Sở Tài chính và Bộ Tài chính. Điểm thuận lợi của quy định này là thống nhất đầu mối lập dự toán, quyết toán kinh phí bồi thường, tránh tình trạng tất cả các cơ quan đều phải lập dự toán, quyết toán kinh phí bồi thường, trong khi bồi thường nhà nước không phải là công việc thường xuyên, chỉ phát sinh khi có vụ việc cụ thể.
Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) không chỉ nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ĐBQH, mà các chuyên gia, nhà khoa học, luật sư cũng đã bày tỏ ý kiến trên nhiều diễn đàn xã hội. Mong muốn chung là những người có trách nhiệm xây dựng luật cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, căn cứ vào nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, sớm chỉnh lý, hoàn chỉnh dự án luật để trình Quốc hội thông qua.

nhandan.com.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan
    Tin đã đăng
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 2.432.845
      Online: 38