Thứ 5 Ngày 14/5/2020, 10:13:21 AM

Tháng 9/2020, nhiều chính sách, pháp luật có hiệu lực thi hành; trong đó, có 02 Nghị định và 04 Thông tư của Bộ Tài chính quy định nội dung liên quan đến quản lý nhà nước của cơ quan Tư pháp, cụ thể như sau:

1. Quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực tư pháp

Ngày 15/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Nghị định này có hiệu lực thi hành 01/9/2020.

Nghị định này, có 9 Chương, 91 Điều (tăng 1 Chương và 16 Điều so với Nghị định số 110/2013/NĐ-CP), quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi VPHC, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực sau đây:

- Bổ trợ tư pháp, bao gồm: luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; hòa giải thương mại; thừa phát lại;

- Hành chính tư pháp, bao gồm: hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; lý lịch tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; hợp tác quốc tế về pháp luật; trợ giúp pháp lý; đăng ký biện pháp bảo đảm; trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

- Hôn nhân và gia đình;

- Thi hành án dân sự;

- Phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Vậy là, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đã bổ sung lĩnh vực hòa giải thương mại; thừa phát lại và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử

Ngày 28/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Nghị định này quy định về việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, Cơ sở dữ liệu khác của bộ, ngành, địa phương; cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch; đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Nghị định cũng quy định cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện việc đăng ký hộ tịch theo phương thức trực tuyến, xác định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương; Ủy ban nhân dân, cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

 Nghị định này có hiệu lực thi hành 15/9/2020.

3. Quy định về dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý

Ngày 18/6/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 59/2020/TT-BTC về việc hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý.

Theo đó, 04 nội dung chi hoạt động trợ giúp pháp lý bao gồm: Các khoản chi thanh toán cho cá nhân; Chi thanh toán dịch vụ công cộng; Chi hội nghị sơ kết, tổng kết; Các khoản chi liên quan đến nghiệp vụ trợ giúp pháp lý. Đối với các chế độ, tiêu chuẩn, mức chi đã được ban hành, cơ quan trợ giúp pháp lý Nhà nước thực hiện đúng chế độ, định mức hiện hành.

Thông tư này hướng dẫn thêm một số nội dung chi như sau:

- Chi tổ chức các buổi tuyên truyền về nội dung, hoạt động trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thực hiện theo chế độ chi tiêu hội nghị do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

- Chi dịch thuật từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý áp dụng mức chi biên dịch và chi dịch nói thông thường theo quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC.

- Chi lấy ý kiến luật sư có kinh nghiệm, chuyên gia pháp lý độc lập với cơ quan có thẩm quyền đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý và cơ quan thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý tối đa 300.000 đồng/vụ việc và sử dụng trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao…

Thông tư có hiệu lực từ 01/9/2020.

4. Quy định mức chi cho hoạt động giám định tư pháp:

Ngày 25/6/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 63/2020/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

Nội dung chi tập trung 04 nhóm chủ yếu: (i) Nghiên cứu, rà soát, xây dựng và ban hành văn bản QPPL; (ii) Chi sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định; (iii) Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp lý, nghiệp vụ giám định cho đội ngũ người giám định tư pháp và đội ngũ người tiến hành tố tụng; (iv) Sơ kết, tổng kết tình hình tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, tổ chức họp giao ban liên ngành để thông tin, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2020.

5. Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho doanh nghiệp

Ngày 10/7/2020, Bộ Tài chính đã ra Thông tư số 66/2020/TT-BTC về việc ban hành Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho doanh nghiệp.

Cụ thể, Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho doanh nghiệp gồm 04 Chương với các nội dung cần có như sau:

- Chương I quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục tiêu của kiểm toán nội bộ, phạm vi của kiểm toán nội bộ, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán nội bộ, năng lực chuyên môn của kiểm toán nội bộ, quyền hạn và trách nhiệm của người làm công tác kiểm toán nội bộ,…

- Chương II quy định về hoạt động kiểm toán nội bộ, gồm các nội dung về phương pháp thực hiện kiểm toán nội bộ, kế hoạch kiểm toán nội bộ, quy trình kiểm toán nội bộ, báo cáo kiểm toán và kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán…

- Chương III quy định về trách nhiệm của các bên đối với kiểm toán nội bộ, trong đó có các Điều về trách nhiệm của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty/Ủy ban kiểm toán (hoặc cơ quan/bộ phận trực thuộc được ủy quyền bởi Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty)/Ban kiểm soát (nếu có)/Tổng giám đốc/Giám đốc/Lãnh đạo các bộ phận, đơn vị trong doanh nghiệp.

- Chương IV quy định về điều khoản thi hành Quy chế.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2020.

6. Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày 10/7/2020, Bộ Tài chính đã ra Thông tư số 67/2020/TT-BTC ban hành Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng cho cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, ban hành Quy chế mẫu về công tác kiểm toán nội bộ áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị trực thuộc bao gồm cả đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Quy chế mẫu về kiểm toán nội bộ áp dụng đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về kiểm toán nội bộ).

Cụ thể, Quy chế mẫu gồm 03 chương: Chương I quy đinh chung về mục tiêu, vị trí, phạm vi, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn của kiểm toán nội bộ; Chương II quy định hoạt động kiểm toán nội bộ gồm phương pháp thực hiện, kế hoạch, quy trình, báo cáo, đảm bảo, nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ; Chương III quy định trách nhiệm của các bên đối với kiểm toán nội bộ.

Đáng chú ý, tiêu chuẩn tối thiểu của người làm công tác kiểm toán nội bộ đó là: Có bằng đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu kiểm toán; Đã có thời gian từ 05 năm trở lên làm việc theo chuyên ngành đào tạo hoặc từ 03 năm trở lên làm kiểm toán, kế toán hoặc thanh tra; Chưa bị kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên do sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, kế toán hoặc không đang trong thời gian bị thi hành án kỷ luật.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2020./.

Tổng hợp


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan
    Tin đã đăng
       Liên kết website
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 190.797
      Online: 15