Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2024; tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 trên địa bàn tỉnh Điện Biên; hưởng ứng Ngày Quốc tế người khuyết tật thế giới (03/12), ngày 04/12/2024 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên đã phối hợp với phòng Tư pháp huyện Điện Biên, UBND xã Thanh Luông tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS tại bản Hua Pe, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Buổi truyền thông đã thu hút được 36 người trên tổng số 31 hộ dân trong bản tham dự, trong đó 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tại buổi truyền thông, đoàn công tác đã giới thiệu đến người dân tham dự về Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tuyên truyền, phổ biến về lĩnh vực pháp luật liên quan mật thiết đến nhu cầu của người dân, quyền được trợ giúp pháp lý của bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hình thức, lĩnh vực, phạm vi được trợ giúp pháp lý và cách thức yêu cầu trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao nhận thức về quyền được trợ giúp pháp lý cho bà con tại điểm bản.
Thực hiện sinh hoạt chuyên đề pháp luật về các chế độ chính sách của người nhiễm HIV/AIDS, người khuyết tật; các chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm theo quy định đối với người nhiễm HIV/AIDS, người khuyết tật và cá nhân, tổ chức khác. Đặc biệt, đoàn công tác nhấn mạnh về quyền, điều kiện, trình tự thủ tục trợ giúp pháp lý đối với hai nhóm người này, đảm bảo 100% người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định khi có nhu cầu. Qua đó giúp cho người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí, góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhóm người này và cộng đồng xã hội thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với họ, giúp họ xóa bỏ tự ti, mặc cảm vươn lên trong cuộc sống, cải thiện, nâng cao đời sống, hòa nhập với cộng đồng, cống hiến cho xã hội, góp phần giữ gìn sự ổn định an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Cấp phát miễn phí các loại tờ gấp pháp luật để người dân tự tìm hiểu với nội dung như: Một số quy định về TGPL; TGPL cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; TGPL cho người khuyết tật.
Đoàn công tác thực hiện tiếp nhận, tư vấn, giải đáp vướng mắc pháp luật trực tiếp cho người dân có ý kiến vướng mắc của người dân tham dự. Những vướng mắc đã được tháo gỡ và tư vấn hướng giải quyết cụ thể.
Trong những năm gần đây, đời sống vật chất của nhân dân tại bản đã được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, mặt bằng chung về hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật của bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế. Đẩy mạnh công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý chính là góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý, bình đẳng trước pháp luật và giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Hiệu quả từ hoạt động truyền thông pháp luật về TGPL mang lại đã nhận được sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan và sự quan tâm của đông đảo người dân. Hoạt động này đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý quan tâm, tăng cường./.