Thực hiện theo Kế hoạch số 615/KH-STP ngày 12/4/2024 của Sở Tư pháp về thực hiện nội dung số 2 và số 3, Tiểu dự án 1 của Dự án 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2024; Kế hoạch số 164/KH-TGPL ngày 10/7/2024 của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước về việc tổ chức Tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý.
Ngày 18/7/2024, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên (Trung tâm) đã tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện TGPL năm 2024. Hội nghị tập huấn với sự tham gia của các đại biểu gồm: Luật sư thực hiện TGPL và các Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên của Trung tâm TGPL.
Bà Lê Thị Diệu – Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên trình bày những điểm mới của Luật Đất đai 2024
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe bà Lê Thị Diệu – Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên truyền đạt nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật Đất đai 2024. Theo đó, Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua vào ngày 18/01/2024, đến ngày 01/02/2024, Chủ tịch nước cũng đã ký Lệnh số 01/2024/L-CTN về việc công bố Luật Đất đai năm 2024. Luật Đất đai năm 2024 dự kiến sẽ có hiệu lực từ 01/8/2024, sớm hơn 05 tháng so với kế hoạch ban đầu. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Luật Đất đai mới có 16 Chương, 260 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Nội dung luật có nhiều điểm mới, tháo gỡ được nhiều vướng mắc thực tiễn đặt ra mà Luật Đất đai 2013 và hệ thống văn bản pháp luật đất đai hiện hành chưa giải quyết được. Nhiều nội dung mới của Luật Đất đai 2024 mang tính đột phá, quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Luật phân cấp mạnh cho chính quyền cấp huyện, nhất là trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công tác định giá đất… Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững...
Cũng tại Hội nghị, bà Giàng Thị Nhung – Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm TGPL đã trình bày, chia sẻ về kỹ năng tiếp nhận yêu cầu và thực hiện TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và phối hợp thực hiện Thông tư 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ Tư pháp.
Các đại biểu tham dự tập huấn cũng đưa ra một số vướng mắc thực tiễn trong việc tư vấn, tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL để cùng nhau trao đổi, đúc kết các kinh nghiệm trong quá trình tham gia tố tụng như: công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; việc đi lại, nghe nói, tiếp xúc, trao đổi với người dân còn rất hạn chế do đường sá đi lại khó khăn, rào cản ngôn ngữ, người dân không thể đến Trung tâm hay Chi nhánh để yêu cầu TGPL. Hội nghị đã dành thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận, giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện TGPL miễn phí cho các đối tượng thuộc diện TGPL nhằm nâng cao chất lượng công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.
Thông qua hội nghị tập huấn đã giúp những người thực hiện TGPL nắm bắt, cập nhật kịp thời những quy định pháp luật mới về các vấn đề liên quan tới Luật Đất đai năm 2024; cũng là cơ hội tốt cho các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư được tiếp cận những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu hơn để áp dụng vào thực tiễn công việc, giúp cho đối tượng người yếu thế có thể tiếp cận với dịch vụ TGPL miễn phí có chất lượng cao./.